Đó là sầu riêng . Theo các chuyên gia, người Trung Quốc đang ăn sầu riêng nhiều nhất trên thế giới. Quốc gia này cũng đang là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới. Lượng sầu riêng mà Trung Quốc nhập khẩu hiện nay tăng mạnh theo từng năm và hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Trong năm 2023, Trung Quốc chi khoảng 6,7 tỷ USD để nhập khẩu tới hơn 1,42 triệu tấn sầu riêng tươi nguyên quả, tăng gần 70% so với năm 2022. Theo dự báo, quy mô thị trường sầu riêng tại quốc gia này có thể chạm mốc 20 tỷ USD vào năm 2028. Nguồn cung sầu riêng cho Trung Quốc hiện nay chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam.
Trên thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan , Trung Quốc được coi là thị trường xuất khẩu chủ lực của sầu riêng Việt Nam, chiếm tới 96,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng của nước ta trong năm 2023.
Theo thông tin mới đây từ ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng của nước ta đạt được khoảng 2,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng năm 2024. Điều này có nghĩa là kim ngạch xuất khẩu sầu riêng trong 9 tháng qua đã xô đổ cả kỷ lục của năm 2023 (2,24 tỷ USD).
Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh, mới chỉ 9 tháng nhưng 2,5 tỷ USD là số tiền nhiều kỷ lục lịch sử với ngành sầu riêng . Đồng thời đây cũng là con số kỷ lục của một loại rau quả xuất khẩu.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của sầu riêng nước ta, với kim ngạch ước đạt 2,3 tỷ USD.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu "vua trái cây" của Việt Nam chắc chắn sẽ vượt mốc 3 tỷ USD trong năm 2024. Nguyên nhân là tháng 10 là thời gian vào vụ thu hoạch sầu riêng tại các vùng trồng có sản lượng lớn như Gia Lai, Lâm Đồng.
Ngoài ra, sầu nghịch vụ tại các tỉnh miền Tây cũng sẽ được thu hoạch vào những tháng cuối của năm nay. Điều này thuận lợi vì đây là thời điểm mà các đối thủ cạnh tranh của nước ta như Thái Lan và Malaysia đã kết thúc mùa thu hoạch. Do đó, giá của sầu riêng Việt sẽ rất cao trong thời gian tới.
Hiện nay, trên thị trường, sầu riêng ở các vùng trồng được thu mua tại vườn có giá từ 42.000 – 95.000 đồng/kg tùy loại. Mức giá này giúp cho những người nông dân trồng loại quả tỷ USD này thu được lợi nhuận cao.
Không chỉ sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam cũng đang có cơ hội rất lớn trong xuất khẩu, nhất là tại thị trường Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang tiến hành hoàn tất về thủ tục xin phê duyệt mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhằm xuất khẩu sản phẩm này sang Trung Quốc. Theo tiến độ như hiện nay, dự kiến vào tháng 11 sắp tới, những lô sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trước đó, ngày 19/9, tại Hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiềm năng số 1 về xuất khẩu sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh của Việt Nam.
Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, phân tích rằng, từ tháng 8/2024, Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký Nghị định thư cho phép sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này. Đây chính là "cơ hội vàng" đối với sầu riêng . Ngành hàng này sẽ được nâng cao giá trị, đồng thời tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Với Nghị định thư vừa ký kết, năng lực hiện tại và nhu cầu của thị trường Trung Quốc, theo Cục Bảo vệ thực vật, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của nước ta trong năm 2024 có thể đạt 300 triệu USD. Kết quả này có thể đạt được nếu sớm hoàn thành được đăng ký doanh nghiệp và sớm xuất khẩu.
Đặc biệt, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, theo ước tính, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD. Tuy nhiên, dự kiến vài năm tới, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân sẽ vượt mức 10 tỷ USD.
Tuy nhiên, đại diện Cục Bảo vệ thực vật còn chỉ rõ ngành hàng sầu riêng đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, nông dân và doanh nghiệp của Việt Nam phải đối mặt với việc Trung Quốc đang thử nghiệm trồng 2.700 ha sầu riêng tại phía nam đảo Hải Nam.
Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp của Việt Nam chưa có ý thức tuân thủ Nghị định thư đã ký giữa hai nước khiến nhiều vi phạm kỹ thuật xảy ra trong thời gian qua. Nếu không chấn chỉnh, đồng thời không nâng cao nhận thức về tuân thủ quy định, Trung Quốc sẽ có biện pháp xử lý. Đây là điều không đáng có, bởi chỉ vì vài doanh nghiệp vi phạm mà cả ngành hàng bị ảnh hưởng.
Tính đến năm 2023, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về diện tích và sản lượng sầu riêng (với gần 1,2 triệu tấn), sau Indonesia (1,8 triệu tấn) và Thái Lan (hơn 2,32 triệu tấn).
Ngoài Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam còn được ưa chuộng tại nhiều thị trường như Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ…
Bài tham khảo nguồn: Mard, Customs, Vinafruit