Cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington sẽ như thế nào?
Bình luận với Báo Trí Thức Trẻ về một thoả thuận có thể đạt được cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương nói rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Quan hệ của Trung Quốc và Mỹ đã có sự thay đổi về chất: từ hợp tác và cạnh tranh chủ yếu sang đối đầu trực diện trên nhiều mặt", ông Cung nói, "và chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong mối quan hệ phức tạp đấy".
Theo ông, trong tương lai, có thể có những thoả hiệp nhất định do Trung Quốc đã đáp ứng một phần đáng kể những yêu cẩu của Mỹ. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để câu chuyện này là rất khó. Bởi "nếu vấn đề này xong thì sẽ phát sinh cái khác trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc", ông Cung nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group nói rằng chiến tranh thương mại cần quan sát thật kỹ. Những tác động đến Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, dù được phân tích nhiều nhưng vẫn chỉ là giả định, còn thực tế có thể rất khác.
Ông Kiên cũng đề cập đến căng thẳng ở châu Âu hiện tại khi Brexit sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến quan hệ thương mại và dịch vụ du lịch giữa Việt nam và các nước này. Trong khi đó, việc phát triển quan hệ thương mại đầu tư và dịch vụ với các nước như Úc, New Zealand còn tiềm năng có thể phát triển nhưng chưa được khai thác tốt.
Sẽ có phiên bản 2.0 của chiến tranh thương mại?
Trong khi cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại thì nhiều người đã bắt đầu lo ngại cho những căng thẳng mới giữa Mỹ và Liên minh châu Âu.
Tờ New York Times cho biết EU có vẻ đang lên kế hoạch cho một cuộc xung đột thương mại mới dù trước đó họ nhiều lần nhắc đến việc đàm phán về thuế. Bên cạnh đó, Washington cũng đang dần thể hiện những chính sách cụ thể nhắm vào EU…
Trả lời câu hỏi về việc thế giới liệu có phiên bản mở rộng của chiến tranh thương mại toàn cầu không khi căng thẳng Mỹ và EU không ngừng leo thang, ông Nguyễn Đình Cung nói rằng điều này sẽ không xảy ra.
"Tôi không nghĩ có khả năng đấy. EU và Mỹ họ có cùng giá trị, những căng thẳng nếu có sẽ chỉ là vụ việc nhất thời, chứ không phải là một cuộc chiến", ông nói.
Thực tế căng thẳng giữa EU và Mỹ không phải đến nay mới có. Trước đó, hai bên đã xung đột với nhau trong gần 15 năm tại WTO về các khoản trợ cấp dành cho nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của EU.