Tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo", do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp với Phòng thương mại Phát triển các doanh nghiệp Malaysia tại nước ngoài (Matrade) diễn ra mới đây, ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, cho biết Malaysia có lợi thế về xăng dầu, khí hóa lỏng, giá xăng RON95 ở nước họ chỉ có 13.000 đồng/lít.
Đặc biệt, Malaysia có kế hoạch xuất bán cho Việt Nam 300.000 lít xăng với giá hữu nghị, ông Thái đề nghị các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nếu quan tâm có thể liên hệ Đại sứ quán và Thương vụ hỗ trợ giúp tìm kiếm kết nối đầu mối, cơ hội làm ăn kinh doanh nhập khẩu cũng như hợp tác.
Tuy nhiên, ngày 3/6, Bộ Công Thương cho biết đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia báo cáo rõ thêm về thông tin trên. Theo Bộ Công Thương, Malaysia là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu. Tại Malaysia, nhà nước không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước, đồng thời Chính phủ có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân. Nhưng chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực.
Trao đổi bên lề Quốc hội về việc nhập khẩu xăng dầu, đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội nhận định, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng cường nhập khẩu xăng dầu với mức giá hợp lý và tăng cường sản xuất trong nước để góp phần đảm bảo nguồn cung, kiềm chế giá xăng dầu tăng.
“Trường hợp có thể đàm phán để Malaysia sẵn sàng cung cấp xăng dầu với mức giá hợp lý thì việc tranh thủ nhập khẩu, bổ sung nguồn cung, ổn định giá xăng dầu thời gian tới là rất quan trọng. Tôi hy vọng rằng, giá xăng dầu tăng sẽ chỉ là vấn đề ngắn hạn, thị trường sẽ trở lại với mức giá phù hợp. Tôi không nghĩ chúng ta có một áp lực quá lớn với lạm phát, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát được theo mục tiêu quốc gia”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định.
Mới đây, bên hành lang Quốc hội cũng có một số ý kiến cho rằng, nếu ép giá xăng dầu, nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế xuống quá thấp, có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế, thậm chí phải đối diện với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay Việt Nam không ép, nếu nhập khẩu được xăng dầu với giá thấp hơn thì sẽ bán được giá phù hợp. Tuy nhiên, cũng cần nhìn lại rằng, trong bối cảnh hiện nay, nếu giá xăng dầu quá thấp sẽ thúc đẩy tình trạng buôn lậu, bởi giá mặt hàng này tại Việt Nam vẫn đang thấp hơn một số quốc gia khác trong khu vực.
“Để ngăn chặn tình trạng buôn lậu xăng dầu, thì giá không thể hạ quá thấp, nhưng sau hơn 2 năm đại dịch, khả năng tài chính, nguồn tiền dự trữ của người dân và doanh nghiệp đang bị bào mòn, do đó, rất hy vọng Nhà nước sẽ cố gắng giảm các loại thuế với xăng dầu để có thể giảm giá bán ở mức độ phù hợp, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời kìm chế lạm phát”, đại biểu kiến nghị.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội (Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân), việc bình ổn giá xăng dầu được thực hiện qua nhiều phương thức như giảm thuế phí, tăng nguồn cung… Trong đó, biện pháp giảm thuế phí mang tính tức thời, cần điều chỉnh nhanh, giảm các phần cấu thành chi phí trong giá bán xăng dầu. Điều quan trọng là vẫn phải đảm bảo nguồn cung. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu hiện có từ việc tăng cường khai thác các nhà máy lọc hóa dầu, tăng nguồn cung dữ trữ để có lượng xăng dầu đủ lớn, không bị ảnh hưởng từ biến động bên ngoài.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu có các nguồn nhập khẩu với mức giá phù hợp thì không có lý do gì lại không thực hiện trong khi giá xăng trong nước đang ở đỉnh.
Trước câu hỏi, việc nhập nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu có phù hợp với cam kết về phát thải ròng về 0 vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị COP 26 hay không, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 được thực hiện đến năm 2050 và có nhiều lộ trình cho cam kết này. Như hiện nay, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi nhiều nguồn năng lượng từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo. Với xăng dầu cũng được điều chỉnh với thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế này hiện được tính cao hơn với xăng có nguồn gốc hóa thạch, xăng sinh học tính thuế thấp hơn. Đây là những động thái để điều tiết hành vi, lựa chọn của người dùng và cũng là chính sách điều hành của Chính phủ, thống nhất cam kết của Thủ tướng./.