Theo thông tin công bố tại tọa đàm, dự báo đến năm 2034, Việt Nam đứng trước nguy cơ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới lứa trong độ tuổi 15 - 49; đến năm 2059 con số này là 2,5 triệu nam giới (bằng 9,5% dân số nam) nếu tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam không giảm.
Cụ thể, Tổng điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, hàng năm dự báo có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và các bằng chứng này cho thấy nguyên do là việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Như vậy, 45.900 trẻ em đã không được sinh ra do là con gái.
Cũng theo dự báo từ dữ liệu của Tổng điều tra năm 2019, đến năm 2034 sẽ "dư thừa" 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu tỉ lệ hiện tại về mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm. Năm 2019, tỷ suất giới tính khi sinh của Việt Nam là 111,5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra trong khi tỷ suất giới tính khi sinh ở mức "tự nhiên" là từ 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết tại Tọa đàm: "Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị... ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước".
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA chia sẻ: "Tôi mong muốn có sự tham gia nhiều hơn nữa của nam giới trong việc chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh. Phụ nữ thường chịu nhiều áp lực từ gia đình về việc phải sinh con trai".
Sự thấu hiểu của nam giới có thể hỗ trợ cho phụ nữ có nhiều sự thay đổi. Việt Nam đã thực hiện rất nhiều chương trình kiểm soát mất cân bằng giới tính trong những năm vừa qua, nhưng tỷ lệ mất cân bằng giới tính vẫn còn cao, cụ thể gần đây nhất là cao thứ ba tại châu Á".