Sáng 23/5, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm".
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Đại diện Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho biết, CREP là một hiệp định thương mại tự do kết nối khu vực kinh tế năng động và phát triển nhất hiện nay, bao gồm ASEAN và Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), châu Đại Dương (Australia, New Zealand) và Ấn Độ.
Chỉ tính riêng dân số của các quốc gia trong hiệp định này đã chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Bởi vậy, theo đánh giá, đây là thị trường cực kỳ hấp dẫn.
Theo chuyên gia, có thể nói đây là khu vực tạo điều kiện gần như tối đa cho Việt Nam trong việc thoả mãn các nguyên tắc xuất xứ nội khối để tận dụng các ưu đãi thuế quan. Chính điều này tạo ra sự khác biệt rất lớn giữa RCEP và các hiệp định thương mại tự do khác.
"Từ ưu đãi thuế quan, cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam từ hiệp định này là rất lớn, hơn nữa các hàng rào phi thuế quan trong khu vực cũng được hạn chế tạo thuận lợi cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam", bà Trang cho hay.
Hội thảo "Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm"
Tuy nhiên, trong khối RCEP cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Việt Nam như Thái Lan hay Trung Quốc,...Vì vậy, các doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường quốc tế.
Đặc biệt, hiện tại Trung Quốc và Nhật Bản, Ấn Độ chưa có hiệp định thương mại tự do nhưng khi RCEP đàm phán thành công, Việt Nam sẽ bị cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp Trung Quốc tại hai thị trường rộng lớn của Nhật Bản và Ấn Độ.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho biết, thương hiệu hàng hoá của Việt Nam trên thị trường quốc tế đã có chỗ đứng nhất định, đặc biệt là so với nhiều nước trong khu vực. Do đó, nếu các doanh nghiệp tận dụng được thương hiệu và khắc phục được các điểm yếu như: Tính không chuyên nghiệp, tính không đồng đều về mặt chất lượng, quy trình,... thì doanh nghiệp có thể tận dụng được các quy định từ RCEP.
Về kỳ vọng đàm phán RCEP, bà Trang phân tích thêm, đây là hiệp định bao gồm nhiều đối tác ở các trình độ phát triển khác nhau, thậm chí là mức độ tự do hoá ở các thành viên cũng khác nhau nên quá trình đàm phán rất khó khăn. Chúng ta chỉ có thể kỳ vọng RCEP sẽ nâng cao mức hợp lý về góc độ thuế quan, hài hoà về quy tắc xuất xứ, chuẩn hoá ở mức độ phù hợp về các hàng rào phi thuế quan và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa các thành viên.
Được biết, đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN (có Việt Nam) và 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) bắt đầu từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối.
Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc…), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.