Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong việc phát triển điện mặt trời nổi vì sở hữu đường bờ biển dài, gồm nhiều sông hồ, và nhiều hệ thống các hồ thuỷ điện đang hoạt động.
Điện mặt trời nổi đang ngày càng phổ biến vì một số lợi ích nổi bật, đặc biệt tại các quốc gia khan hiếm đất hoặc có diện tích mặt nước lớn, ví dụ như Singapore.
Singapore, một quốc đảo với diện tích đất chỉ 728km2, vừa khai trương nhà máy điện mặt trời nổi Sembcorp Tengeh 60MWp trên hồ Tengeh, một trong 17 hồ chứa của quốc gia này. Singapore cũng có kế hoạch hoàn thành các nhà máy điện mặt trời nổi tại các hồ chứa Bedok và Lower Seletar vào cuối năm 2021. Nhà máy điện mặt trời nổi 60MWp tại hồ chứa Tengeh sử dụng 122.000 mô-đun Trina Solar Vertex gắn trên các phao nổi. Mỗi mô-đun, cùng mẫu DEG18MC.20 (II), có công suất đầu ra lên đến 505W. Đây là mô hình rất phù hợp để có thể áp dụng ở Việt Nam.
Các nhà máy điện mặt trời nổi đôi khi có mức đầu tư thấp hơn vì tốn ít chi phí hơn cho việc thuê mua đất cũng như chi phí cho những việc như dọn sạch thực vật, xây rãnh hoặc đóng cọc. Với việc giám sát hiệu suất được nâng cao, chi phí vận hành và bảo trì (O&M) có thể đạt mức tương tự dự án năng lượng mặt trời trên đất liền.
Khác với dự án điện mặt trời trên mặt đất khi mô-đun năng lượng mặt trời thường hoạt động kém hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ cao , dự án điện mặt trời nổi với các mô-đun năng lượng mặt trời được gắn trên mặt nước lại hoạt động tốt hơn nhờ được hơi nước làm mát.
Tại Việt Nam, hiện đã có nhà máy điện mặt trời nổi Đầm Trà Ổ tại xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, đang áp dụng mô hình này với dòng mô-đun Vertex mẫu DEG18MC.20 (II) Trina Solar. Nhà máy có công suất lắp đặt 50,6MWp với sản lượng điện bình quân hàng năm khoảng 78 triệu kWh.