Mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đang là tâm điểm chú ý của giới đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của IHS Markit - công ty cung cấp thông tin toàn cầu, Trung Quốc dẫn đầu trong nhóm 6 nhà nhập khẩu châu Á hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. 5 nhà nhập khẩu còn lại gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.
Đồng lira lao dốc sẽ tác động tới thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước.
Ông Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IHS Markit cho rằng: Khủng hoảng tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ và đồng lira lao dốc sẽ tác động tới thương mại song phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước, bởi chi phí hàng nhập khẩu bằng đồng lira sẽ tăng cao.
Đồng lira đã mất hơn 40% so với đồng USD. Điều này có thể dẫn tới hiện tượng bán tháo cổ phiếu và tiền tệ ở các thị trường mới nổi, nếu quan chức Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn tình trạng mất giá.
Ông Biswas nhận định, việc bán tháo cổ phiếu và tiền tệ có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng hơn sụt giảm thương mại đối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, bởi điều này tác động tới tâm lý lo ngại của nhà đầu tư, khiến các dòng tiền đầu tư ở các thị trường mới nổi sụt giảm.
Theo vị chuyên gia này, Ấn Độ có thể là một trong các thị trường mới nổi chịu rủi ro từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đồng rupee Ấn Độ mất giá có thể khiến các nhà đầu tư bán tháo chứng khoán và trái phiếu để cứu vãn.
Trong khi đó, các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan vẫn ổn định nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và dự trữ ngoại hối dồi dào. Nhìn chung, các quốc gia châu Á có thể khắc phục các bất ổn từ bên ngoài tác động bởi nền kinh tế của các nước này đã tốt hơn nhiều so với 5 năm trước, ông Tuan Huynh, chuyên gia quản lý tài sản của Ngân hàng Deutsche Bank ở khu vực châu Á–Thái Bình Dương nhận định.
Theo chuyên gia này, các nhà đầu tư vẫn có thể mua cổ phiếu các thị trường mới nổi ở châu Á trong nửa cuối năm 2018 kể cả trong tình trạng bất ổn./.