Với nguồn lao động trẻ dồi dào, vị trí địa lý đắc địa, gần chợ cá ngừ lớn nhất thế giới Thái Lan…, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển ngành chế biến, xuất khẩu cá ngừ. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu tại chỗ đạt chất lượng xuất khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành kinh tế này.
Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 năm qua, giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản của Việt Nam đều tăng. Từ năm 2011 nhập khẩu 541,1 triệu USD, đến năm 2016 nhập khẩu tăng lên hơn 1,1 tỷ USD, tăng gấp 2 lần. Trung bình 80 - 85% lượng nhập khẩu hàng năm được dùng cho gia công và sản xuất, đóng góp từ 15 - 25% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 5 năm qua.
Việt Nam có thể trở thành quốc gia lớn về xuất khẩu cá ngừ. Ảnh tư liệu
Theo VASEP, xu hướng nhập khẩu này sẽ tiếp tục gia tăng để giải quyết hiệu quả các mục tiêu kinh tế, xã hội và lợi thế cạnh tranh về chế biến, có thể đạt giá trị nhập khẩu khoảng 1,4 tỷ USD và góp phần tạo ra 8,4 tỷ USD xuất khẩu.
Nguồn nguyên liệu nhập khẩu đóng góp vai trò quan trọng trong tăng tưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản. Vì trong nhiều năm qua, nguồn nguyên liệu khai thác trong nước đã cạn kiệt, diện tích nuôi trồng thâm canh ngày càng thu hẹp do chính sách ưu tiên phát triển đô thị và khu công nghiệp của nhiều tỉnh, ảnh hướng của thiên tai và dịch bệnh…, làm cho số lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho chế biến xuất khẩu ngày càng giảm sút.
Một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ chia sẻ, nhờ nguồn nguyên liệu nhập khẩu hơn 40.000 tấn mỗi năm, doanh nghiệp này đã mở rộng thêm từ 1 nhà máy lên thành 4 nhà máy chế biến, với gần 3.000 công nhân. Doanh số trước đây dưới 5 triệu USD thì nay đạt tới hơn 150 triệu USD và phát triển thêm được nhiều mặt hàng giá trị gia tăng khác.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất phục vụ xuất khẩu như là một phương án tối ưu để giữ khách hàng. Năm 2012, Việt Nam có khoảng 270 doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thủy hải sản để chế biến xuất khẩu. Đến nay, con số này đã tăng lên trên 300 doanh nghiệp.
Trong số các doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản, khoảng hơn 100 đơn vị có nhà máy chế biến mà nguồn nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò then chốt, chiêm từ 20 – 90% tổng lượng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu hàng năm.
Nguồn cá ngừ cho chế biến xuất khẩu đang ngày càng cạn kiệt. Ảnh: T.H
Thế nhưng, việc quản lý những lô hàng thủy hải sản nhập khẩu vào Việt Nam đang “có vấn đề”, cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam bị Ủy ban Châu Âu (EC) phạt thẻ vàng vì họ cho rằng Việt nam không nỗ lực chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU).
Ông Nguyễn Xuân Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), cho biết, mỗi ngày có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu từ 5 – 10 container cá biển từ Hồng Kông, Trung Quốc về rã đông, rồi bán tại các chợ đầu mối, hệ thống nhà hàng… Phần lớn số cá này lại từ các tàu vi phạm IUU khiến các nước châu Âu không đồng tình.
Ngoài ra, cũng có tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ để chuyển tải (tức chỉ ghé sang Việt Nam rồi bốc dỡ hàng hóa lên tàu khác, vận chuyển đến nước khác), nhận ưu đãi thuế của nhà nước rồi lại xuất khẩu trở về Trung Quốc. Cụ thể, Trung Quốc có chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng 11% cho các sản phẩm thủy hải sản xuất khẩu. Trong khi đó, sản phẩm nhập về chỉ phải đóng thuế 2%.
“Tính ra, doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sang cảng Việt Nam để hưởng 11% thuế VAT rồi nhập khẩu trở về Trung Quốc, đóng thuế 2% thì vẫn còn lời đến 9%. Mà kinh doanh thủy hải sản hiện nay để lời 9% là lớn lắm!”, ông Nam phân tích.
Do đó, ông Nam nhấn mạnh cần có chính sách quản lý nguồn thủy hải sản nhập khẩu hợp lý để không ảnh hưởng đến toàn ngành, để thủy hải sản Việt không bị EC phạt thẻ đỏ.