Trong hội thảo triển vọng thủy sản toàn cầu (GOAL), Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) bày tỏ sự tự tin về đà tăng trưởng của ngành nuôi trồng tôm ở Ecuador, Indonesia và Việt Nam nhưng lại kém lạc quan vào Ấn Độ.
Lạc quan vào triển vọng ngành tôm Việt
GAA dự đoán sản lượng tôm của Việt Nam sẽ đạt 700.000 tấn vào năm 2020. Ecuador và Indonesia sẽ ghi nhận mức sản lượng thấp hơn, lần lượt là 570.000 tấn và 600.000 tấn tính đến cùng thời điểm. "Kết quả là Việt Nam sẽ vượt Ấn Độ và Indonesia về sản lượng", ông James Anderson, chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực thủy sản thuộc Đại học Florida, dự đoán.
Riêng trong năm 2018, sản lượng tôm của Việt Nam dự báo đạt 600.000 tấn, của Ecuador là gần 500.000 tấn và của Indonesia là 550.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng của Ấn Độ dự báo vẫn duy trì ở khoảng 600.000 tấn trong hai năm tới. Ấn Độ là quốc gia đang rất thành công trong lĩnh vực nuôi trồng tôm trong vài năm qua.
“Sản lượng của Ấn Độ liên tục tăng mạnh tới năm 2017 nhưng dự báo sẽ ổn định dần trong giai đoạn 2017 –-2020”, ông Anderson nói. Năm 2018, sản lượng tôm của nước này giảm, và có thể không đạt tới mốc 600.000 tấn, chủ yếu do giá thấp và dịch bệnh phát triển.
Tôm Trung Quốc chật vật vì dịch bệnh
Ngành nuôi tôm tại Trung Quốc cũng được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng nhưng có phần chậm lại do ảnh hưởng từ hội chứng tôm chết sớm, với sản lượng chỉ đạt 1,3 triệu tấn vào năm 2020. Con số này thấp hơn nhiều so với năm 2012 với gần 1,6 triệu tấn và khác biệt đáng kể với dự báo của chuyên gia Robins McIntosh tại tập đoàn Charoen Pokphand Foods (CP Foods) trong một phiên thỏa luận bàn tròn về ngành thủy sản gần đây tại Thái Lan.
Ông McIntosh cho biết sự xuất hiện của loại virus gây chết tôm hàng loạt SHIV tại Trung Quốc sẽ khiến sản lượng của nước này giảm xuống 512.000 tấn trong năm 2018. Trong sự kiện GOAL, Tiến sĩ Trần Hữu Lộc, người sáng lập phòng nghiên cứu ShrimpVet Laboratory cho biết, virus SHIV cũng đã xuất hiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, Ecuador và các nước Trung Mỹ như Honduras và Panama đang lên kế hoạch tăng mạnh sản lượng bất chấp giá bán khá thấp.
Rủi ro dư cung
Nhìn chung, GAA dự báo sản lượng tôm toàn cầu sẽ đạt 5 triệu tấn vào năm 2020 nếu ngành này giữ được tốc độ tăng trưởng kỳ vọng 18%. Riêng trong năm 2018, nguồn cung tôm toàn cầu sẽ tăng khoảng 5,5% so với năm ngoái.
“Giữa năm 2017 và 2020, triển vọng của ngành tôm khá lạc quan, với tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,7%, dẫn tới nguồn cung sẽ tăng 18% vào năm 2020… Điều này có nghĩa ngành tôm cần phải hành động để giảm bớt rủi ro về sau”, ông Anderson của Đại học Florida, nói.
Dự báo của GOAL dựa trên kết quả khảo sát tại 74 cơ sở sản xuất tôm tại các khu vực nuôi trồng tôm lớn nhất thế giới.