Phần lớn tương lai của các nền kinh tế ở khu vực châu Á phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại quan trọng, cả về xuất khẩu và du lịch. Trong báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF, dự báo tăng trưởng năm 2020 ở các nước châu Á đều giảm mạnh, với mức tăng trưởng 1,2% đối với Trung Quốc, 1,9% đối với Ấn Độ và 2,7% đối với Việt Nam, cao nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở châu Á.
Dự kiến tăng trưởng của các nước châu Á (Nguồn: IMF, ảnh Nikkei)
Tăng trưởng kinh tế của khu vực được dự báo ở mức 0% là mức tồi tệ nhất trong vòng 60 năm trở lại đây của khu vực châu Á Thái Bình Dương, khi so sánh mức tăng trưởng với hai cuộc khủng hoảng lớn trước đây là khủng hoảng tài chính toàn cầu ( tăng trưởng ở mức 4,7%) và khủng hoảng tài chính châu Á ( tăng trưởng ở mức 1,3%).
Mức giảm tăng trưởng của khu vực châu Á là mức thấp nhất trong 60 năm qua (Nguồn: IMF)
So với các khu vực khác trên thế giới, mức tăng trưởng giữ nguyên so với năm trước của khu vực châu Á là tương đối tốt. Tại khu vực châu Âu và Mỹ, mức tăng trưởng được dự báo lần lượt là giảm 5,9% và 7,5% so với năm 2019. Đây là các khu vực có mức độ ảnh hưởng của dịch nặng nề, do công tác phòng chống dịch không tốt từ giai đoạn đầu, dẫn đến dịch bệnh lan rộng và khiến chính phủ các nước phải ban hành các lệnh phong toả, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế.
Trong khi đó, các nước châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đã có những biện pháp phòng dịch chủ động và về cơ bản đã thành công trong việc tránh lây lan ra cộng đồng; nhờ đó mà triển vọng kinh tế của nước ta được đánh giá cao nhất khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng dự kiến đạt 2,7%. Trung Quốc, nền kinh tế hàng đầu châu Á cũng có mức tăng trưởng dương là 1,2%, dù rằng đây là mức giảm khá lớn so với mức 6,2% của năm 2019.
Mức tăng trưởng của khu vực châu Á được dự kiến cao hơn hẳn so với Mỹ và châu Âu (ảnh: IMF)
Trong ngắn hạn, các nước ở khu vực châu Á tập trung kiểm soát dịch bệnh sớm và duy trì hệ thống kinh tế sao cho ngay sau khi đại dịch kết thúc, các hoạt động kinh tế có thể sớm được phục hồi; các nước trong khu vực làm điều này thông qua việc tăng nguồn lực cho ngành y tế và hỗ trợ cho các doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, tăng nguồn tiền cho vay với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn dịch Covid – 19 diễn ra.
Bên cạnh Việt Nam, Malaysia cũng là một nước rất thành công trong công tác chống dịch, giúp nước này có được dự báo tương đối khả quan về tăng trưởng sau khi dịch bệch chấm dứt.
Tuy nhiên, về lâu dài, việc các nước châu Á có đạt được mức tăng trưởng như dự kiến của IMF hay không còn phụ thuộc nhiều vào các nước trên thế giới, khi có nhiều quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và du lịch; ngoài ra dòng vốn FDI từ các nước lớn đầu tư cũng bị ảnh hưởng nhiều vì dịch. Thái Lan, một đất nước có ngành du lịch rất phát triển ở châu Á dự kiến chỉ đạt 37% doanh thu từ du lịch so với năm 2018, tương ứng với 1.120 tỷ bath.
Việt Nam rất có thể cũng sẽ thất thu nặng nề với ngành du lịch, với dự báo của Tổng cục du lịch, lượng khách quốc tế tới nước ta giảm ít nhất 70% so với năm ngoái, chỉ còn 5,5 triệu lượt khách trong kịch bản khả quan nhất. Khách du lịch nội địa cũng sẽ phải mất một thời gian dài mới có thể quay trở lại được mức như trước dịch, dù lệnh cách ly xã hội của nước ta đã được nới lỏng.
Ngoài ra, với việc các nước ở EU và Mỹ cũng như Trung Quốc vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, xuất khẩu của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là xuất khẩu nông – lâm – thủy sản, với mức giảm 4,5% của nông – lâm sản và 11,2% của thủy sản. Đây đều là các ngành chủ lực của nước ta trong xuất khẩu, do đó, tổng kim ngạch xuất khẩu nói chung của nước ta sẽ bị ảnh hưởng lớn vì dịch Covid - 19.
Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam giảm mạnh do dịch bệnh (Ảnh: ForbesVietnam, nguồn: Tổng cục thống kê)
Như vậy, có thể thấy, mặc dù cũng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid – 19 như toàn thế giới, nhưng nhờ các biện pháp phòng dịch sớm và chặt chẽ mà khu vực châu Á vẫn có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới. Đặc biệt tại Việt Nam, với những chỉ đạo quyết liệt từ Thủ tướng và Chính phủ, dịch Covid – 19 về cơ bản đã được khống chế tại nước ta, nhờ đó chúng ta có mức tăng trưởng được đánh giá là tốt nhất ở châu Á. Hơn thế nữa, với những chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam có kỳ vọng rất lớn sẽ vượt qua mức tăng trưởng dự kiến là 2,7% của IMF.