Ngày 5/3, tại Quảng Ninh đã diễn ra tọa đàm "Làm tổ cho đại bàng nội". Tại đây, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thông tin, hiện nay Việt Nam có 2.300 doanh nghiệp lữ hành, đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ, bên cạnh những "chim đầu đàn" như FLC, Vingroup, Sungroup...
Bà Hương nhấn mạnh, những tập đoàn lớn, "cánh chim đầu đàn" này đóng vai trò nâng cao chất lượng du lịch với các sản phẩm khách sạn 4-5 sao, tổ hợp vui chơi giải trí, động lực kéo theo các doanh nghiệp SMEs phát triển.
Đại diện Tổng cục Du lịch nói thêm, vừa qua Tổng cục Du lịch đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế. Cụ thể, chương trình này sẽ xét những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, đảm bảo lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Bà Hương cũng thông tin, Tổng cục du lịch mới đây đã bàn về chương trình mở cửa từng bước một với thị trường quốc tế. Cụ thể, chương trình này sẽ xét những tiêu chí lựa chọn thị trường nguồn, đảm bảo lượng khách đông, đi tour trọn gói, có cam kết về tiêm vaccine, cách ly.
Ngoài ra, điểm đến phải thuận tiện với hàng không. Các khu du lịch nghỉ dưỡng phải có phạm vi độc lập, cung cấp nhiều dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách, khu nghỉ dưỡng, đồng thời mở cửa nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn. Bà Hương cũng hy vọng rằng các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn trước Covid-19.
Cũng tại đây, liên quan đến chủ đề về chiến lược để xây dựng doanh nghiệp lớn mạnh, Phó Chủ tịch tập đoàn Bkav, ông Vũ Thanh Thắng cho hay, hai yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển đó là R&D (nghiên cứu và phát triển) và dịch vụ hậu mãi. Sau đó là thương hiệu, bán hàng, marketing, thiết kế, linh kiện, phân phối, gia công...
Ông Thắng cho biết, những tập đoàn lớn của Hàn Quốc chiếm khoảng 50-60% GDP quốc gia này. Như vậy, nếu Việt Nam có thể xây dựng được những doanh nghiệp lớn như Hàn Quốc thì sẽ có khả năng dẫn dắt nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, bởi "các doanh nghiệp mũi nhọn là cánh chim đầu đàn để Việt Nam cất cánh".
Theo đó, ông Thắng đưa ra một số đề xuất nhằm xây dựng doanh nghiệp mũi nhọn như: Chính phủ chọn các doanh nghiệp vượt trội, có sức khoẻ, sức mạnh cạnh tranh về công nghệ; cần tạo ra môi trường để các doanh nghiệp phát triển bùng nổ, trong đó môi trường về vốn, nhân lực, thị trường, chính sách đặc biệt quan trọng. Khi đã có sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao, Chính phủ cần tạo bàn đạp để sản phẩm được phổ biến, phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam trước khi vươn ra toàn cầu.
Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, vốn đầu tư rất tốn kém, doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn; tài sản trí tuệ khó định lượng... Do vậy, cần có cơ chế để các công ty khởi nghiệp thuận lợi nhận dòng tiền. Bên cạnh đó, nguồn lực công nghệ cao cũng rất cần thiết nên cần tạo điều kiện để các sinh viên tiếp cận với công việc trước khi tốt nghiệp.
"Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển hạ tầng cho các doanh nghiệp mũi nhọn nhằm tạo điều kiện cho 'đại bàng' tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đáng chú ý, những hạ tầng đặc biệt quan trọng để đại bàng làm tổ bao gồm: hạ tầng công nghệ, hạ tầng vốn, hạ tầng nhân lực, hạ tầng thị trường", đại diện Bkav kết luận.