Cụ thể, theo JobStreet.com, tính trung bình tỷ lệ tăng lương của Việt Nam từ 20% đến 24%, trong khi ở các nước khác chỉ khoảng 16%. Vị trí tăng lương cao nhất đến khoảng 32% là giám đốc cấp cao; tiếp theo tăng 26% là trưởng phòng cấp trung... Cùng nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng trưởng khả quan thì tốc độ tăng lương sẽ còn lên cao trong thời gian tới.
Đồ thị tăng lương chỉ ra tốc độ tăng lương Việt Nam cao nhất khu vực.
Đồng thời, người tìm việc Việt Nam có chỉ số hạnh phúc (Happiness Index) cao thứ hai trong khu vực mặc dù đang trên đà giảm nhẹ.
Hiện, ba ngành có nhu cầu tuyển dụng phát triển thần tốc trong năm tới ở Việt Nam là sản xuất, bán buôn, xây dựng - kỹ thuật. Bởi lẽ, Việt Nam là nước trong khu vực được dự đoán có sự bùng nổ về tăng trưởng quy mô doanh nghiệp - đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động.
Cũng theo khảo sát của đơn vị này, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đang khá khả quan với động lực đến từ FDI. Trong 10 tháng năm 2017, vốn đầu tư FDI đã tăng trưởng 37,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tạo ra những cơ hội việc làm được mong đợi trong năm 2018. Theo đó, sản xuất, bán buôn, xây dựng - kỹ thuật là 3 ngành có nguồn vốn FDI đổ vào cao nhất.
Ở góc nhìn khác, theo một cuộc khảo sát hàng năm được tiến hành bởi công ty nhân sự Korn Ferry, mức lương thực tế điều chỉnh theo lạm phát được dự báo sẽ tăng 2,8% ở châu Á trong năm 2018, so với mức tăng trung bình thế giới 1,5%. Cuộc khảo sát của Korn Ferry được tiến hành ở 25.000 công ty.
Tăng trưởng tiền lương ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trong năm 2018, đã điều chỉnh theo lạm phát (Nguồn: Nikkei Asian Review)
Được biết dẫn đầu tăng trưởng lương ở châu Á là Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan, trong khi Nhật Bản xếp cuối cùng. Tăng trưởng tiền lương thực tế ở Trung Quốc ước tính đạt 4,2%, tại Ấn Độ, mức lương thực tế có thể sẽ tăng 4,7%, mức cao nhất toàn cầu trong năm 2018. Trong khi đó, theo HSBC, người lao động ở Việt Nam sẽ có mức tăng lương tương tự, khi tiêu dùng cá nhân nổi lên như một động cơ tăng trưởng cùng với xuất khẩu hàng hóa. Mặc dù vậy, vẫn còn những lo ngại về nợ cá nhân đang gia tăng và dấu hiệu bong bóng của thị trường bất động sản.
Nhưng những chuyên gia ngành cũng khuyên người lao động châu Á không nên quá vui mừng. Mức tăng lương này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,3% trong năm trước, vì tăng trưởng kinh tế trong khu vực dự kiến sẽ giảm so với tốc độ mạnh mẽ của năm 2017, bên cạnh đó, lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng cao hơn và xuất khẩu tăng trưởng chậm hơn. Lạm phát được dự kiến tăng trở lại cũng là lý do chính làm giảm sức mua của người tiêu dùng.
Cũng theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sức mạnh trong thương lượng tiền lương của người lao động giảm do tự động hóa và nhu cầu lao động bán thời gian tăng lên. Đồng thời, các công ty dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm. Đó là những lý do khiến tiền lương không tăng nhiều ở các quốc gia này.
Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nhu cầu cao nhất về những ứng viên cấp quản lý. Và những lĩnh vực đang thiếu hụt trầm trọng ứng viên có kỹ năng là xây dựng, máy tính - công nghệ thông tin. Báo cáo nhân lực trực tuyến quý II/2018 của Navigos Group ghi nhận nhiều các vị trí mà Navigos Search tuyển cho khách hàng với mức lương từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/tháng, đến từ các lĩnh vực tài chính ngân hàng, sản xuất, du lịch khách sạn, bao gồm cả ứng viên người Việt và ứng viên người nước ngoài. Các vị trí Giám đốc marketing, tùy từng lĩnh vực cũng đang được trả mức lương dao động từ 100 triệu – 200 triệu đồng/tháng.
Ngoài chiến lược giữ chân nhân tài, các doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng dài hạn và vững chắc để có thể tuyển đủ nhân viên và hạn chế tình trạng thiếu hụt nhân viên đột xuất. Đặc biệt, trong tình hình kinh tế phát triển khả quan trong giai đoạn sắp tới vẫn là thách thức lớn cho thị trường lao động Việt Nam.