Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 92.800 tấn chè, thu về 162,62 triệu USD (khoảng 3.970 tỷ đồng, với tỷ giá USD/VND ngày 29/9), vượt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm ngoái.
Sản phẩm chè của Việt Nam hiện đã được xuất sang hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường tiêu thụ chè nhiều nhất của Việt Nam là Pakistan, với doanh thu 62,3 triệu USD, tăng 11,3% so với năm ngoái.
2 thị trường có mức tăng trưởng mạnh là Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc đã chi 13,2 triệu USD để nhập khẩu chè từ Việt Nam, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Trong khi Mỹ cũng ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu đáng kể với gần 8 triệu USD.
Về giá bán, giá chè xuất sang Pakistan vẫn dẫn đầu thị trường. Trong khi các thị trường khác chỉ dao động từ 1.600 - 1.800 USD/tấn. thì tại thị trường này vẫn duy trì mức trên 2.000 USD/tấn. Trong khi đó, tại Trung Quốc, dù sản lượng xuất khẩu tăng cao nhưng giá chè trung bình xuất sang quốc gia tỷ dân này chỉ đạt 1.458 USD/tấn, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe.
Đánh giá của các chuyên gia, để giành được thị phần, ngành chè cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng. Đầu tư có trọng điểm vào công tác chế biến sâu, đặc biệt là các sản phẩm chè sau chế biến có chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn để hình thành ngành công nghiệp chế biến chè tiên tiến tại Việt Nam.
Số liệu từ Hiệp hội Chè Việt Nam, nước ta hiện đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè và đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000ha. Loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh thành thuộc khu vực trung du, miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300ha), Lâm Đồng (10.800ha), Hà Giang (21.500ha), Phú Thọ (16.100ha)... Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.
Nhiều giống chè của Việt Nam có hương vị đặc biệt, được thế giới ưa chuộng như: Chè sao lăn, chè xanh, chè ô long, chè Hương, chè thảo dược...
Chè xanh là một loại cây lâu năm, thường mọc thành từng bụi. Theo nhiều nghiên cứu, chất EGCG có trong lá chè có thể ngăn ngừa sự tăng trưởng của tế bào ung thư phổi, ức chế ung thư đại tràng.
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, ngoài các tác dụng trên, lá chè xanh còn chứa một hợp chất có tên là Catechin có thể ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn răng miệng và đường ruột, đặc biệt là bệnh cúm.
Trà xanh cũng có tác dụng chống bức xạ và giảm cholesterol. Loại lá này cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng bệnh lú lẫn ở người cao tuổi .