Bộ Công thương cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 2/2019, giá cà phê Robusta nhân xô trong nước tăng theo giá cà phê toàn cầu. Ngày 8/02/2019, giá cà phê Robuta nhân xô tăng từ 0,9 - 1,5% so với ngày 31/1/2019. Cà phê Robusta nhân xô có mức thấp nhất là 33.000 đ/kg tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng); mức cao nhất là 33.900 đ/kg tại huyện Cư M’gar tỉnh Đắk Lắk.
Trong khi đó, tại các kho quanh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8/02/2019 cà phê Robusta loại R1 tăng 1,2% so với ngày 31/1/2019 và tăng 0,6% so với ngày 10/1/2019, đạt mức 34.700 đ/kg.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu cà phê của nước này năm 2018 đạt 64,68 nghìn tấn, trị giá 4,487 tỷ baht (tương đương 142,57 triệu USD), tăng 11,5% về lượng, nhưng giảm 10,5% về trị giá so với năm 2017.
Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn nhất cho Thái Lan với tốc độ nhập khẩu tăng trưởng khả quan 42,3% về lượng và 11,1% về trị giá so với năm 2017. Thị phần cà phê Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan tăng mạnh, từ 72,4% tỷ trọng năm 2017, lên 92,4% tỷ trọng năm 2018.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, năm 2018 xuất khẩu cà phê sang khu vực ASEAN đạt 198.851 tấn, trị giá 375 triệu USD, tăng 135,7% về lượng và tăng 92,1% về trị giá so với năm 2017.
Trong khối ASEAN, Indonesia là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với lượng đạt 62,3 nghìn tấn trong năm 2018, trị giá 123,48 triệu USD, tăng 343,5% về lượng và tăng 273,2% về trị giá so với năm 2017.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê sang khu vực ASEAN năm 2018 đạt mức 1.886 USD/tấn, giảm 18,5% so với năm 2017. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Lào đạt mức cao 4.517 USD/tấn, tăng 52,4% so với năm 2017 do chủ yếu là xuất khẩu cà phê chế biến. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang các thị trường khác như Indonesia, Thái Lan, Philippin giảm mạnh.