Đông Nam Á dẫn đầu phân khúc thương mại điện tử
Dựa trên cơ sở phân tích hơn 270 mạng quảng cáo, với hơn 6 tỷ lượt cài đặt trả phí, và 160 triệu lượt mở từ gần 5.500 ứng dụng, Adjust, đơn vị chuyên phân tích lĩnh vực marketing di động, vừa công bố một số phát hiện mới về sự lớn mạnh của thị trường ứng dụng trên toàn cầu. Số tiền người dùng toàn cầu chi cho ứng dụng đã gần chạm tới con số 65 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á đang dẫn đầu phân khúc thương mại điện tử, với nhiều đối tác mới.
Dữ liệu khảo sát của Adjust cho thấy, tại khu vực Đông Nam Á, số lượt cài đặt của ứng dụng thương mại điện tử đến nay đã tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020 (một năm ứng dụng đã ghi nhận đợt tăng trưởng rất mạnh). Là thị trường ưu tiên di động (mobile-first), với đặc điểm của thị trường thuần di động (mobile-only) trong phần lớn thời gian, Đông Nam Á đã vượt Trung Quốc và Ấn Độ ở mảng bán lẻ số.
Phân khúc thương mại điện tử ước tính đã có thêm 70 triệu người dùng online trong thời gian đại dịch, với các sàn thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada, Tiki và Tokopedia. Mức độ tăng trưởng này được dự đoán giữ vững xu hướng đi lên vì người dùng Đông Nam Á có thể vẫn duy trì thói quen mua sắm online, báo cáo nhận định.
Đặc biệt nghiên cứu dự báo sau đại dịch, các sàn thương mại điện tử có thể vẫn ghi nhận 75% lượt mua sắm online hiện tại. Đến cuối năm 2021, Đông Nam Á sẽ có khoảng 350 triệu người dùng số, bằng 80% tổng người dùng của khu vực này. Doanh số bán hàng dự kiến tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tới, đạt 254 tỷ USD vào năm 2026.
Một phát hiện đáng chú ý khác được báo cáo này nhấn mạnh, game tiếp tục là danh mục thu hút được nhiều người dùng mới nhất, tiếp tục là phân khúc "làm mưa làm gió" trong năm 2021, chiếm 25% tổng số lượt tải ứng dụng trên iOS và 21% trên Android.
Theo GamesIndustry.biz, số tiền người chơi nạp vào game (cả trên Android và iOS) sẽ đạt mức 117 tỷ USD vào năm 2023. Giá trị thị trường của phân khúc game cũng ước đạt 272 tỷ USD vào cuối năm 2030, dựa trên thành tích 98 tỷ USD vào năm 2020.
Có thể thấy game chiếm 50% tổng chi phí quảng cáo của toàn thị trường. Phân khúc đứng ở vị trí thứ hai (thương mại điện tử) cách game khá xa, chỉ 16%. Đặc điểm này đặc biệt rõ nét ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi Adjust đo lường được 64% chi phí quảng cáo được phân bổ cho phân khúc game (còn phân khúc đứng thứ hai chỉ 11%).
Ở quy mô toàn thế giới, nếu xét về chi phí bỏ ra để có được một lượt cài đặt, Apple đang dẫn đầu với 3,86 USD. Chi phí cho mỗi lượt cài đặt của Facebook là 1,02 USD, còn Google Ads là 0,91 USD.
Với các ứng dụng giao đồ ăn vẫn phát triển mạnh sau đợt tăng bùng nổ hồi đầu đại dịch. Dữ liệu cho thấy, biểu đồ tăng trưởng của các ứng dụng đồ ăn và thức uống liên tục đi lên, thậm chí ngay tại thị trường không còn áp dụng lệnh phong tỏa.
Xét trên toàn cầu, số lượt cài đặt ứng dụng năm 2020 tăng 19% so với năm 2019, và đến nay, đã tăng thêm 20%. Số phiên truy cập còn tăng ấn tượng hơn, tăng 71% trong giai đoạn 2019 - 2020 và đã tăng thêm 34% vào năm 2021.
Việt Nam ở đâu trong "cuộc chiến" này?
Trong Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2021, do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức ngày 20/4/2021, tại Hà Nội, các chuyên gia khẳng định, "Năm 2020, trong bối cảnh hầu hết các lĩnh vực kinh tế chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam đi ngược xu thế, với mức tăng trường cao nhất khu vực Đông Nam Á".
Trong tháng 8/2021, báo cáo do Lazada - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á cho thấy, có tới 52% người bán hàng ở Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Singapore đã đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2021, trong khi 70% kỳ vọng rằng mức tăng doanh thu sẽ tiếp tục được nâng lên thêm 10% trong quý III/2021.
Cuối năm 2020, theo các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Việt Nam cũng là một trong hai nước (cùng Indonesia) có tăng trưởng mạnh về lượng truy cập website thương mại điện tử trong khu vực.
Ở Việt Nam, theo Sách trắng Thương mại điện tử 2021, doanh thu thương mại điện điện tử B2C cũng liên tục tăng mạnh trong 5 năm qua. Cụ thể, nếu như năm 2016, con số này mới chỉ đạt 5 tỷ USD thì đến năm 2019, mức doanh thu đã tăng gấp đôi, đạt hơn 10 tỷ USD và năm 2020 là 11,8 tỷ USD, với mức tăng trưởng 18% so với năm trước.
Đặc biệt, Báo cáo kinh tế internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 34% so với năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến mới, trong tổng số người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ cao nhất (khoảng 41%) khu vực, vào năm 2020. So sánh với tỷ lệ này trung bình ở Đông Nam Á khoảng 36%, Indonesia và Phillipines cùng 37%, Malaysia là 36%, Singgapore và Thái Lan cùng 30%.