Theo ông Lưu Hoàng Long – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc đăng cai Cuộc họp AWGIPC 72 và các sự kiện bên lề lần này nhằm thực hiện nghĩa vụ của nước thành viên ASEAN trong hợp tác ASEAN về Sở hữu trí tuệ. Qua đó, Việt Nam thể hiện được vai trò của nước chủ nhà đăng cai tổ chức sự kiện tầm khu vực ASEAN, giúp nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong ASEAN và đối tác của ASEAN.
Mục tiêu hợp tác ASEAN về Sở hữu trí tuệ là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ một cách thỏa đáng và hiệu quả trong khu vực ASEAN, qua đó thúc đẩy đổi mới, chuyển giao và phổ biến công nghệ, tăng cường tự do hóa thương mại khu vực và toàn cầu.
AWGIPC ra đời trên cơ sở của Hiệp định khung về Hợp tác sở hữu trí tuệ giữa các nước ASEAN (được thông qua tại Cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ 5 của các nước ASEAN tại Bangkok, Thái Lan năm 1995) với chức năng xây dựng, triển khai và đánh giá các hoạt động hợp tác về Sở hữu trí tuệ của ASEAN.
Hiện tại, AWGIPC đang triển khai Chương trình hành động ASEAN về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 (đã hoàn thành 81% Kế hoạch) và đang từng bước xây dựng Chương trình hành động của ASEAN về Sở hữu trí tuệ giai đoạn hậu 2025.
Các Chương trình, Kế hoạch này đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho từng giai đoạn phát triển trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ của các nước ASEAN. Các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đó bao gồm: hoàn thiện khung pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức công chúng; trao đổi thông tin, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề chuyên môn; tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký và thực thi quyền; tham gia các điều ước quốc tế về Sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục đăng ký quốc tế các quyền Sở hữu trí tuệ nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác của ASEAN về Sở hữu trí tuệ và hợp tác chặt chẽ trong việc đàm phán nội dung Sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia-New Zealand....
Các hoạt động hợp tác này đã góp phần chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách pháp luật, quản lý và thực thi quyền Sở hữu trí tuệ, hài hòa hóa một số quy trình và thủ tục đăng ký, thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp cũng như xây dựng năng lực của hệ thống Sở hữu trí tuệ quốc gia của các nước ASEAN.
Cuộc họp AWGIPC 72 sẽ tập trung vào triển khai các vấn đề: Chương trình hành động của ASEAN về Sở hữu trí tuệ giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động hợp tác về Sở hữu trí tuệ giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN (AANZFTA, WIPO, Cơ quan Sáng chế Châu Âu, Cơ quan Sở hữu trí tuệ Châu Âu, Viện Sở hữu Công nghiệp Pháp, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản...).
Bày tỏ sự vui mừng được Cục Sở hữu trí tuệ và Nhóm công tác ASEAN lựa chọn thành phố Đà Nẵng là điểm đến để tổ chức Cuộc họp AWGIPC 72, ông Trần Chí Cường – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng chia sẻ: "Trong những năm qua, hợp tác ASEAN về Sở hữu trí tuệ đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều chương trình, dự án được đề xuất, thực hiện và đóng góp vào sự phát triển của hệ thống Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Theo số liệu từ Cục Sở hữu trí tuệ tính đến ngày 31/12/2023, Đà Nẵng có 4.202 văn bằng được cấp (gồm: 3.991 nhãn hiệu, 71 sáng chế và giải pháp hữu ích, 140 kiểu dáng công nghiệp), đứng thứ 6 trên cả nước. Chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều sự kiện kết nối, chia sẻ thông tin, hỗ trợ để thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động Sở hữu trí tuệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố...".
Bên lề Cuộc họp còn diễn ra một số sự kiện như: Cuộc họp lần thứ 15 Tiểu ban Sở hữu trí tuệ Hiệp định Tự do thương mại ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA IPC 15) sẽ diễn ra vào ngày 25/4/2024; Lễ chào mừng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2024 và phát động Cuộc thi "Sinh viên miền Trung sáng tạo xanh" vào ngày 26/4/2024 tại thành phố Huế.