Pharma Group (PG) đại diện tiếng nói của ngành Dược phẩm phát minh tại Việt Nam (tiểu ban của Eurocham) nhấn mạnh Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế thu hút trong ngành này. Cụ thể, thị trường 95 triệu dân có sự hấp dẫn về vốn, ổn định về chính trị, sở hữu nguồn nhân lực qua đào tạo dồi dài, đồng thời là cửa khẩu vào ASEAN.
"Việt Nam mong muốn một cách rõ nét việc chuyển đổi từ sản xuất đến đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ và chăm sóc sức khỏe điện tử", PG cho biết.
Ngành chăm sóc sức khỏe là một trong những ngành thúc đẩy đổi mới và sáng tạo chính mà các công ty dược phẩm nghiên cứu và phát triển (ngành dược phẩm phát minh) sẽ là những động lực thúc đẩy chính, đơn vị này chỉ rõ.
Theo các nghiên cứu của đơn vị này, Việt Nam đang có khả năng chuyển dịch lên một vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị của ngành khoa học đời sống so với một số nước khác trong khu vực ASEAN. Và hiện tại là thời điểm để cân nhắc các giá trị mang lại của ngành cho Việt Nam.
Để làm được điều này, phía Eurocham đã đưa ra một số đề xuất. Thứ nhất là về pháp nhân hoạt động, vốn là yếu tố đảm bảo hoạt động lâu dài của các công ty. Theo đó, các doanh nghiêp nước ngoài trong ngành này mong muốn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan.
Thứ hai là về Thông tư đăng ký thuốc (chứng nhận sản phẩm dược CPP). Ủng hộ Thông tư của Bộ Y tế, tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ hi vọng các cuộc đối thoại cần tiếp diễn liên quan đến yêu cầu mới về chứng nhận CPP.
Theo đó, doanh nghiệp cho rằng cần có những cuộc trao đổi chính thức giữa các cơ quan quản lý dược và Bộ Y tế để có được những phản hồi chính thức liên quan đến tính khả thi của các yêu cầu mới về CPP của Việt Nam.
Đồng thời có thêm các trao đổi kỹ thuật giữa Bộ Y tế và cộng đồng doanh nghiệp (thuốc phát minh và thuốc phiên bản) nhằm tìm kiếm các giải pháp tốt nhất đảm bảo mục tiêu chất lượng và truy xuất nguồn gốc.