Việt Nam tiền không thiếu, chỉ thiếu chính sách!
Theo ông Ánh: “Đất nước Việt Nam phát triển nhờ vào xây dựng, nhưng có chuyện cũng một phần tại xây dựng”. Bởi, tốc độ xây dựng tại Việt Nam bây giờ quá nhanh. Nếu trước đây với công nghệ xây dựng của chúng ta, phải mất hàng tháng, hàng năm trên một công trình, thì bây giờ cái chúng ta ước mơ vài ngày một mặt sàn đã thực hiện được. Đây là yếu tố đầu tiên tác động đến câu chuyện đô thị tại Việt Nam, ông Ánh khẳng định.
Bên cạnh đó, cái thứ hai theo ông Ánh là yếu tố tiền. Trước đây có thể nhiều doanh nghiệp doanh nhân không biết lấy tiền đâu ra, nhưng bây giờ sau khi tiếp xúc với khá nhiều doanh nghiệp doanh nhân, ông Ánh cho rằng vấn đề bây giờ không phải là “tiền ở đâu” mà “có tiền thì sẽ làm gì”.
Nguồn tiền rất nhiều, điển hình về câu chuyện xây dựng tư nhân sân bay đầu tiên Việt Nam tại Vân Đồn. Theo ông Ánh chia sẻ, khởi nguồn của câu chuyện trên là cách đây 10 năm, khi có một nhà đầu tư Canada đề nghị đầu tư khoảng 40 triệu USD vào để xây sân bay Vân Đồn, với yêu cầu Vân Đồn phải có casino. Và lý giải cho điều này, đối tác ngoại cho biết xây sân bay Vân Đồn để khách du lịch “bay” đến casino chứ không đi ô tô hay đi tàu.
Và mới đây, ngay sau khi đặc khu Vân Đồn được thông qua, Sun Group ngay lập tức nhảy vào cam kết thời gian đi đến thực thi là 18 tháng, tức theo kế hoạch tháng 4/2018 sẽ đi vào hoạt động.
“Như vậy, tiềm lực tài chính, tiềm lực kỹ thuật và quyết tâm của người Việt Nam thừa sức làm”, ông Ánh nhấn mạnh. Để minh chứng thêm cho nhận định này, ông Ánh đưa ra ví dụ về cáp treo Sapa, theo nhận xét cá nhân của ông thì đây là công trình mang đẳng cấp quốc tế. Do đó, ông Ánh cho rằng Việt Nam có đủ điều kiện để vươn lên đẳng cấp toàn cầu về lĩnh vực bất động sản, và vấn đề của chúng ta ở đây là chính sách.
Được biết, cách đây khoảng 3 năm, Việt Nam có 3 món nợ:
• Nợ thứ nhất là nợ xấu, hiện nước ta vẫn đang giải quyết, dự báo sẽ còn nhiều chuyện và đụng chạm đến thị trường bất động sản
• Nợ thứ hai mặc dù ai cũng biết nhưng sợ nói, đó chính là nợ công
• Và món nợ thứ ba rất quan trọng, mà theo ông Ánh nếu giải quyết được sẽ giải quyết được rất nhiều câu chuyện, nợ chính sách.
“Trong bối cảnh biến động như thế này, mà chính sách không vận động kịp, không theo kịp, vô hình trung sẽ kéo lùi sự phát triển lại vì tác động của chính sách, thể chế”, ông Ánh bộc bạch. Như vậy, trên quan điểm của chuyên gia Ánh thì Việt Nam đang có một khoản nợ rất lớn là nợ chính sách.
Và liên quan đến vấn đề thể chế, một vấn đề khá nóng trên thị trường hiện nay đó là dự thảo về luật đặc khu. Mặc dù được kỳ vọng rất nhiều vào tác động của đặc khu đến nền kinh tế nói chung, đặc biệt là thị trường bất động sản nói riêng nhưng đặc khu theo nhiều ý kiến thì phải mất nhiều năm mới có thể thực hiện được. Đi cùng với đó là những chính sách đi kèm như thu gom đất thực sự cũng rất khó để đi vào thực tiễn một sớm một chiều. Chung quy lại theo ông Ánh vẫn là khúc mắc tại chính sách.
Thế nào là đặc khu?
Trước hết là khái niệm đặc khu vẫn chưa thực sự rõ ràng, “ba đặc khu dự kiến sẽ hình thành, sẽ là đặc khu so với đẳng cấp quốc tế, hay chỉ là đặc khu so với các tỉnh thành Việt Nam, chỉ mỗi một điểm đó thôi mà cãi nhau đến bây giờ vẫn chưa ra đáp án”, ông Ánh chia sẻ.
Mặc dù cũng lạc quan về luật đặc khu, nhưng theo ông Ánh cần nhất vẫn là bài toán nợ chính sách, nếu Việt Nam giải quyết được thì trong vòng 3-5 năm, chúng ta sẽ thấy được một Vân Đồn khác, một Vân Phong khác cũng như một Phú Quốc khác.
“Đơn cử huyện Tiên Yên, khu vực giáp ranh với đặc khu Vân Đồn. Thời gian đến huyện này sẽ có những kế hoạch đầu tư, định hướng phát triển như thế nào khi đặc khu Vân Đồn đi vào hoạt động. Ở chiều ngược lại, huyện có xây dựng phương án B khi mà đặc khu Vân Đồn sẽ không bao giờ thành hiện thực, hoặc có thành hiện thực nhưng cũng chắc có tác động gì. Như vậy, vấn đề chung vẫn là chính sách”, ông Ánh phân trần.
Đồng ý với quan điểm này, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn và Định giá CBRE cho rằng với dự thảo luật đặc khu, theo kế hoạch sẽ được thông qua trong năm 2018 đến đây, nhưng vấn đề cốt lõi là “lời nói phải đi đôi với hành động”.
Theo bà Dung, thời gian qua có nhiều tranh cãi xoay quanh câu chuyện đặc khu kinh tế, trong đó nổi lên ý kiến tại sao không tập trung phát triển tại những trung tâm kinh tế hiện nay như TPHCM, Hà Nội… mà lại đầu tư dàn trải sang các đặc khu Phú Quốc… Tuy nhiên, cốt lõi vấn đề không phải là nên đặt đặc khu ở đâu, mà là chính sách để phát triển đặc khu là gì.
Đồng ý TPHCM hay Hà Nội hiện đang là đầu tàu kinh tế Việt Nam, nhưng tại đây cũng đã có những chính sách ưu đãi, phát triển phù hợp. Và việc phát triển đặc khu kinh tế theo bà Dung không nhất thiết phải đặt tại thành phố lớn (nơi đã có ưu đãi), mà phải là tại những khu vực còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết. Quan trọng là chính sách áp dụng như thế nào, phải cụ thể hóa và lên thời gian thực hiện cho phù hợp. Hơn hết là “lời nói phải đi đôi với hành động”, bà Dung khẳng định.