Tờ báo The Brussels Times của Bỉ vừa có bài viết nhận định Việt Nam, một đối tác phát triển của Liên minh châu Âu (EU) đang trở thành "ngọn hải đăng" trong khu vực với khả năng kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao dù tình hình quốc tế nhiều sóng gió.
Theo bài viết, dù kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, nhưng các tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những dự báo tích cực cho kinh tế Việt Nam. Báo cáo tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay xếp hạng của Moody's đều đánh giá với triển vọng ổn định, hoặc cao hơn mức trung bình của khu vực.
Báo cáo tháng 8 của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng đáng kể từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% năm 2022, đồng thời lạm phát được giữ ở mức ổn định là 3,8%.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,7% vào năm 2023, cao hơn đáng kể mức trung bình của khu vực và toàn cầu.
Gần đây, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định.
Trong khi đó, Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam đứng thứ hai thế giới, tăng 12 bậc.
Tác giả bài báo khẳng định những kết quả nổi bật Việt Nam đạt được là nhờ các chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ như: hỗ trợ lãi suất thấp, duy trì tăng trưởng tín dụng, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Điểm hội tụ của các chính sách này là sự kết hợp giữa yếu tố thị trường, công cụ quản lý nhà nước, sự giám sát chặt chẽ và những phản hồi kịp thời ý kiến đóng góp của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc Việt Nam sớm triển khai Chiến lược sống chung an toàn với đại dịch COVID-19 và việc đẩy nhanh tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 đã khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước cũng như ổn định thu nhập của người lao động và sinh kế của người dân.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp và tập đoàn quốc tế. Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất ở Đông Nam Á và đứng thứ hai ở châu Á, sau Trung Quốc.
Cùng với nỗ lực cải thiện chất lượng môi trường kinh tế, Việt Nam không ngừng nâng cao các cam kết đối với thương mại bền vững.
Bài báo cho biết các công ty châu Âu ngày càng coi Việt Nam là một trung tâm đầu tư kinh doanh đầy triển vọng với nhiều dự án chất lượng và bền vững.
Theo số liệu thống kê đầu tư gần đây, xu hướng tăng đầu tư từ một số nước EU vào Việt Nam như: Hà Lan (26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ireland (235%) và Bỉ (284%).
Cũng theo bài báo, đầu tư tài chính của EU tập trung vào các công ty công nghệ cao và có xu hướng mở rộng sang các dịch vụ như bưu chính, tài chính, các lĩnh vực công nghệ sạch, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất thực phẩm và dược phẩm.
Nhiều chỉ số được cải thiện, chẳng hạn như mức độ hài lòng của chủ doanh nghiệp đối với nỗ lực thu hút và duy trì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. 76% số người được hỏi kỳ vọng các công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý 3.
Bài báo kết luận Việt Nam và EU chia sẻ nhiều mục tiêu và tầm nhìn trong việc duy trì chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy bảo vệ môi trường, phát triển xanh và bền vững, đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số. Thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực đa dạng sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu chiến lược và có điều kiện để cải thiện sinh kế của con người, đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại và sự phát triển của thế giới.