Báo cáo "Southeast Asia Ecosystem 2.0" cho biết, sẽ có thêm nhiều công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á ra mắt công chúng, với số lượng IPO hàng năm trong khu vực dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030.
Con số này gần như gấp 3 lần số công ty khu vực đã niêm yết cổ phiếu vào năm 2020. Một số công ty có khả năng sẽ niêm yết là thị trường trực tuyến Carousell, nền tảng bất động sản PropertyGuru và trang web đặt phòng du lịch Traveloka.
Golden Gate Ventures dự đoán rằng nguồn tài trợ cho lĩnh vực giải trí và truyền thông sẽ tăng lên đáng kể trong vòng 10 năm tới. Năm ngoái, lĩnh vực này đã ghi nhận được tài trợ khoảng 100 triệu USD. Nhưng các chuyên gia đánh giá trong báo cáo rằng con số này có thể sẽ tăng lên khi các công ty khởi nghiệp về giải trí và truyền thông tập trung vào nội dung châu Á đang thu hút được sự theo dõi toàn cầu.
Báo cáo cũng chỉ ra một số xu hướng đã xuất hiện ở Đông Nam Á trong vài năm qua đó là một thế hệ doanh nhân mới đã xuất hiện kể từ năm 2015. Thế hệ này được thúc đẩy thông qua các vòng gọi vốn khổng lồ của các công ty khởi nghiệp đang phát triển nhanh như Grab và Gojek.
Bên cạnh đó, nhiều cựu nhân viên cấp cao của các công ty vốn đã có sự tăng trưởng cao, cũng tiếp tục thành lập doanh nghiệp của riêng họ và bắt đầu một chuỗi khởi nghiệp mới. Báo cáo cho biết, loạt quỹ VC cũng đã xuất hiện trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, năm 2020, đã có khoảng 60 quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực Đông Nam Á, so với số lượng 7 quỹ vào năm 2010. Các quỹ như vậy đang ngày càng dẫn đầu các vòng tài trợ, đặc biệt là ở giai đoạn hạt giống và Series A.
Việt Nam đang và sẽ là "ngôi sao đang lên" của khu vực Đông Nam Á
Đây là dự báo thứ 2 trong số 10 dự báo mà Golden Gate Ventures đưa ra, qua đó, có thể thấy được tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực khởi nghiệp cũng như kỳ vọng của các chuyện gia phân tích trong quỹ VC Golden Gate Ventures. Điều này đã đang và sẽ củng cố vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực.
Báo cáo nhấn mạnh, Việt Nam là "ngôi sao đang lên" của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 ở Đông Nam Á vào năm 2022. Dự đoán này dựa trên cơ sở về việc sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các startup tại đây.
Trong đó, vào năm 2022, số lượng các quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn vào Đông Nam Á sẽ nỗ lực tập trung nhiều hơn vào các khoản đầu tư giai đoạn đầu tại Việt Nam và sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong 10 năm tới. Cụ thể, các chuyên gia Golden Gate Ventures cho biết, số lượng các vòng gọi vốn ở Việt Nam dự kiến trong năm 2030 sẽ là 778.
Báo cáo cũng đề cập đến 5 lĩnh vực sẽ có xu hướng phát triển ở Việt Nam bao gồm Thương mại điện tử, Dịch vụ Tài chính, Truyền thông Trực tuyến, Du lịch Trực tuyến và Thực phẩm & Vận tải. Trong đó các doanh nghiệp dẫn đầu có thể kể đến điển hình như VNPay, Momo, Tiki, Sendo,...
Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ start-up trong nước
Báo cáo cũng chỉ ra những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia. Liên quan đến những ưu đãi về chính sách, đối với các công ty khởi nghiệp, Chính phủ sẽ miễn thuế doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn được sử dụng các cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) và cơ sở ươm tạo của Chính phủ hoàn toàn miễn phí. Chưa kể, trong giai đoạn 2017-2019, chương trình MST SpeedUp được tổ chức bởi Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM đã dành ra 1,4 triệu USD để cam kết hỗ trợ 50 công ty khởi nghiệp.
Còn đối với các nhà đầu tư, năm 2018, Chính phủ chính thức hợp pháp hóa các hoạt động đầu tư khởi nghiệp ở Việt Nam thông qua việc ban hành lần lượt Nghị định 38/2018/NĐ-CP và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, qua đó đơn giản hóa các thủ tục đầu tư cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.