Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025.
Trong đó, nổi bật là việc phát triển ngành tôm Việt Nam trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước.
Theo đề án, mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 10,79%/năm) trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 4,5 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 710.000 ha; tổng diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 30.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.000.000m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 832.500 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 5,63%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 800.000 tấn; tôm càng xanh đạt 30.000 tấn; tôm hùm đạt 2.500 tấn.
Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp tôm công nghệ cao được hình thành ở các vùng sản xuất trọng điểm; vùng nuôi tôm hữu cơ được áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm dựa trên các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật được đầu tư đồng bộ.
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh việc ngành sản xuất tôm của Việt Nam phấn đấu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm đạt 10 tỷ USD (tăng trưởng bình quân đạt 12,7%/năm), trong đó giá trị kim ngạch tôm nước lợ xuất khẩu là 8,4 tỷ USD; tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh tập trung đạt 50.000 ha; nuôi tôm hùm đạt 1.300.000 m3 lồng; tổng sản lượng tôm nuôi đạt 1.153.000 tấn (tăng trưởng bình quân đạt 6,73%/năm). Trong đó tôm nước lợ đạt 1.100.000 tấn; tôm càng xanh đạt 50.000 tấn và tôm hùm đạt 3.000 tấn.
Quyết định cũng nêu rõ, ngành sản xuất tôm cần phát huy tiềm năng về điều kiện tự nhiên điển hình như lợi thế về nuôi tôm sú, các lợi thế về thị trường, công nghệ chế biến và kinh nghiệm của người dân để phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời phải phát triển ngành tôm theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và các thành tựu khoa học kỹ thuật mang tính đột phá, thân thiện môi trường, phù hợp với đặc điểm sinh thái từng vùng để tăng năng suất, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, có chất lượng cao (đạt chứng nhận uy tín như tôm sinh thái, hữu cơ, GAP). Hướng tới không sử dụng hoá chất, thuốc kháng sinh ở tất cả các phương thức nuôi và các khâu trong chuỗi sản xuất, lưu thông sản phẩm tôm.
Việc phát triển sản xuất cũng cần gắn chặt với nhu cầu của thị trường tiêu thụ sản phẩm; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tôm Việt Nam; đầu tư phát triển ngành tôm theo tư duy hệ thống và chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt và là động lực của toàn chuỗi giá trị.
Để đạt được mục tiêu, kế hoạch phát triển tôm cũng nêu ra giải pháp thực hiện phát triển ngành tôm được đưa ra như tổ chức và quản lý sản xuất, khoa học công nghệ và khuyến ngư, phát triển thị trường, các cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ; chính sách giao, cho thuê sử dụng đất, mặt nước để nuôi tôm; chính sách về thuế, phí..