Do việc thuê nhân công là một lựa chọn đắt đỏ nên các công ty công nghệ đang bắt đầu quan tâm tới thuê ngoài như là chiến lược mở rộng mới. Tuy nhiên, với mức đầu tư bắt buộc lớn, việc chọn quốc gia thuê ngoài có tiềm năng nhất là điều bắt buộc khi các công ty muốn mở rộng đội ngũ công nghệ ở nước ngoài.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ khủng hoảng khi COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn cục diện kinh doanh. Lựa chọn địa điểm để mở rộng hoạt động là điều quan trọng hơn bao giờ hết, mặc dù các thị trường trên khắp Đông Nam Á đang phải đóng cửa do đại dịch.
Việt Nam đang cho thấy những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển hệ sinh thái kinh doanh năng động của mình trong khi vẫn kiểm soát được COVID-19. Trên thực tế, lãnh đạo các doanh nghiệp Việt cũng đang cho thấy sự quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đất nước để phục hồi kinh tế sau COVID-19 với tiềm năng tăng trưởng cao.
Thuê ngoài là "bình thường mới"
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc đã thống trị thị trường thuê ngoài trong một thời gian dài, nhưng mức giá ở hai nước này không còn rẻ và chất lượng cũng không còn ổn định nữa khi các các nước mới nổi trong khu vực Đông Nam Á đã gia tăng vị trí của mình. Do đó, các công ty khởi nghiệp (startup) và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) có trụ sở tại Singapore đã liên kết với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN để nâng cao hơn nữa khả năng phát triển sản phẩm của mình mà không tốn quá nhiều ngân sách.
Một số điểm đến được quan tâm bao gồm Indonesia, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này ngày càng được chú ý và tạo được sức hút với các chi phí lao động, sinh hoạt giá rẻ, và đội ngũ nhân lực CNTT thông thạo tiếng Anh ngày càng tăng.
Theo nghiên cứu, Việt Nam thực sự là lựa chọn hợp lý nhất về nguồn nhân lực công nghệ so với Thái Lan và Malaysia. Điều này không chỉ giải thích khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác mà còn lý giải Việt Nam là một quốc gia dồi dào nguồn nhân lực, sự ổn định tài chính và môi trường kinh doanh nói chung.
Để trả lời câu hỏi tại sao các công ty nước ngoài lại chọn Việt Nam làm điểm đến hoạt động, hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về ba lợi thế chính của Việt Nam khi nói đến hoạt động thuê ngoài.
Nhân lực chất lượng cao, chi phí phải chăng
Do lực lượng lao động giới hạn, nhiều công ty Singapore đang thiếu hụt nhân tài công nghệ trầm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề đối với Việt Nam khi hàng năm có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp CNTT tham gia lực lượng lao động. Điều này giúp chi phí cho lao động công nghệ ở mức phải chăng hơn nhiều so với các nước láng giềng.
Như đã đề cập ở trên, Việt Nam là một trong những điểm đến thuê ngoài dịch vụ CNTT hấp dẫn nhất nhờ chi phí phát triển phần mềm tương đối rẻ. Mặc dù giá phát triển phần mềm ở nước ngoài khác nhau giữa các quốc gia, chi phí lao động của Việt Nam rẻ hơn Thái Lan và Malaysia từ 15% - 50%. Điều này là rất hấp dẫn đối với nhiều startup. Việc thuê một kỹ sư dữ liệu hoặc phần mềm tại Việt Nam sẽ chỉ tốn khoảng 9.600 - 18.000 USD/năm, trong khi việc tuyển 1 vị trí tương tự ở Singapore có thể lên tới 38.000 - 84.500 USD/năm.
Với việc thúc đẩy giáo dục STEM (Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán học) mạnh mẽ, đội ngũ nhân lực ở Việt Nam đã cho thấy khả năng kỹ thuật vượt trội để giải quyết các vấn đề thị trường khác nhau. Ngay cả khi thị trường thay đổi nhanh chóng, nhân lực công nghệ vẫn cho thấy sự linh hoạt trong việc điều chỉnh thích ứng và tiếp tục đưa ra các giải pháp sáng tạo.
Trên thực tế, những khả năng đặc biệt của đội ngũ nhân lực công nghệ Việt được đánh giá cao trong các cuộc phỏng vấn của Google, điều này giải thích khả năng thích ứng cao của đội ngũ nhân lực tại nơi làm việc.
Môi trường kinh tế ổn định
Về kinh tế, nhiều quốc gia châu Á đang gặp khó khăn bởi những bất ổn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việt Nam là một trong những quốc gia ổn định nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ sự hỗ trợ lớn của chính phủ đối với khởi nghiệp.
Hơn nữa, từ góc độ nhà đầu tư, việc không có những xung đột sắc tộc và tôn giáo cũng giúp Việt Nam trở thành một điểm đến được quan tâm và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chính phủ cũng chú trọng xây dựng các mối quan hệ lành mạnh để hướng dân số trẻ vào hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường phát triển hơn nữa. Trên thực tế, các startup và SME đóng góp tới 50% việc làm trên cả nước. Việt Nam cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thuế và luật pháp thuận lợi, tạo môi trường lý tưởng cho hoạt động thuê ngoài.
Một ví dụ điển hình là quan hệ đối tác giữa Enterprise Singapore và Saigon Innovation Hub đã khởi xướng việc trao đổi hai chiều giữa các startup và tài năng công nghệ. Chương trình chung này cho phép Singapore kết nối với các nhà đầu tư và khách hàng tiềm năng, với hy vọng giúp các startup và doanh nghiệp mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam.
Các lợi thế về mặt địa lý
Một điều khiến nhiều người lo lắng là tình trạng thiên tai xảy ra ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, đây không phải là mối quan tâm hàng đầu ở Việt Nam vì Việt Nam chịu ít thiệt hại hơn so với các nước nhiệt đới khác trong khu vực. Mặc dù thỉnh thoảng có những trận mưa lớn và bão nhưng Việt Nam ít phải chịu các điều kiện khắc nghiệt như bão mạnh ở Philippines.
Hơn nữa, ở các vùng phía Nam của đất nước, thời tiết có xu hướng ấm áp quanh năm, với nhiệt độ trung bình mùa hè dao động từ 25 - 30oC. Điều này dễ chịu hơn nhiều so với các nước ASEAN khác như Campuchia, nơi nhiệt độ trung bình vào mùa hè lên tới 35oC với độ ẩm cao.
Nắm bắt cơ hội
Khi nhìn vào cách Việt Nam "vượt lên", rõ ràng Việt Nam là một điểm đến thuê ngoài đang nổi lên mạnh mẽ đáng quan tâm. Nếu công ty nào quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh và khai thác thị trường của những nhân tài công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, thì nên tìm một nhà cung cấp dịch vụ nhân sự đáng tin cậy chuyên cung cấp dịch vụ gia công tại Việt Nam để được tư vấn chi tiết.