Ngày 3/8, một số nhà đầu tư chuyền tay bảng dữ liệu thống kê về top những đồng tiền ổn định hàng đầu cũng như những đồng tiền mất giá mạnh nhất trên thế giới 5 năm qua.
Dữ liệu này tập hợp từ thời điểm 01/01/2014 đến 8/02/2019, không cập nhật quãng biến động những tháng gần đây, nhưng vẫn có giá trị lớn để nhìn lại cả một quá trình.
Dữ liệu trên được dẫn ra, một phần trong thảo luận của những nhà đầu tư trên về điểm nóng thời sự hơn: diễn biến của đồng Nhân dân tệ .
Như biểu đồ ở trên, thứ Sáu, ngày 2/8 vừa qua, đường hiển thị diễn biến đồng Nhân dân tệ trong cặp tỷ giá với đồng USD kẻ thẳng đứng cho cú sốc phản ánh với tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc đánh thuế thêm với 300 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Dường như cú sốc đó đã làm nhạt đi sự quan tâm đến quyết định giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn tươi mới chỉ một ngày trước đó.
Mức độ kẻ thẳng đứng ở biểu trên lên tới khoảng 0,7% ngay sau khi thị trường mở cửa. Có nghĩa, phải cần tới gần 6,95 đồng Nhân dân tệ để đổi 1 USD. Mốc quy đổi 7.0 một lần nữa ám ảnh, vì nó sát kề và từng có trong quan ngại mà nhiều chuyên gia đặt ra trong đợt biến động hồi đầu năm.
Ngay lập tức, một số bình luận quốc tế nhìn vào phản ứng phi thuế quan của Trung Quốc trước tuyên bố của ông Trump. Nhưng, có một thực tế, nếu sự mất giá quá mức của đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài và hạn chế sức hút nguồn lực này.
Việt Nam cũng vậy. Chính sách ổn định tỷ giá USD/VND được duy trì trong quan điểm điều hành của Ngân hàng Nhà nước , cũng như trên thực tiễn, đã và đang là điểm ưu đối với giới đầu tư nước ngoài.
Trong dữ liệu tập hợp nói trên, không chỉ ở khu vực mà trên thế giới, tham chiếu giá trị với USD, đồng tiền Việt Nam (VND) nằm trong Top 5 đồng tiền ổn định nhất sau các đồng tiền của Thái Lan, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore cả quá trình 5 năm qua.
Trong khi đó, Top các đồng tiền mất giá hàng đầu có đồng Peso của Argentina (-85,3%), Lira của Thổ Nhĩ Kỳ (-61,68%), Ruble của Nga (-49,15%), Peso của Colombia (-41,82%), Real của Brazil (-38,57%), Peso của Mexico (-32,17%)…
Khoảng thời gian 5 năm qua, VND chỉ mất giá 9,15%, cũng là mức độ phản ánh sự ổn định mà Ngân hàng Nhà nước điều hành, mà trước đây cũng như hiện nay thường được “áng định” biến động trong khoảng 2% mỗi năm.
Đáng chú ý, tỷ giá USD/VND được giữ ổn định hàng đầu thế giới nói trên đặt trong bối cảnh thị trường và việc điều hành chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trải qua nhiều sự kiện tạo xáo trộn lớn.
Có thể điểm lại nhiều dữ kiện có tác động lớn, như vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014; loạt cao điểm 3 ngày 3 lần phá giá Nhân dân tệ hồi tháng 8/2015; sự kiện Brexit tháng 6/2016 và kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm đó…
Và từ cuối tháng 4/2019, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lên cao trào mới, tỷ giá USD/VND cũng biến động mạnh những cũng nhanh chóng được bình ổn và ổn định.
Với nhà đầu tư nước ngoài, nhìn lại cả quá trình 5 năm trên, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ít bị “móc túi” vì rủi ro tỷ giá, khi chuyển đổi từ VND trở lại ngoại tệ để chuyển về chính quốc sau quá trình đầu tư.
Cùng với ổn định chính trị - xã hội, tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao, tỷ giá được giữ ổn định, Việt Nam trở thành điểm thu hút vốn ngoại nổi bật những năm gần đây, cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Thậm chí xu hướng dịch chuyển những nguồn vốn mới vào Việt Nam đang được nhiều bình luận đề cập đến tại thời điểmn này...
Trước nguồn lực đó, Ngân hàng Nhà nước có thêm điều kiện để có quãng những năm liên tục gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối, góp phần cùng các yếu tố khác để nâng hạng tín nhiệm quốc gia.
Về đối nội, rủi ro tỷ giá cũng giảm thiểu đối với chi phí vay nợ nước ngoài của Việt Nam, nhất là trong điều kiện các khoản vay quốc gia dần bớt đi ưu đãi và chuyển sang thương mại hơn từ năm 2017, cũng như ngày càng có nhiều doanh nghiệp và ngân hàng Việt Nam đi ra nước ngoài huy động vốn.
Với Ngân hàng Nhà nước, một trong những nhiệm vụ hàng đầu khi nhìn lại quá trình 5 năm đó đến nay vẫn được đảm bảo: ổn định giá trị đồng tiền, theo quy định tại Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010.