Trong số 81 doanh nghiệp (DN) được nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật, có 37 DN quyết định chọn Việt Nam để đầu tư, tiếp đến là Thái Lan với 19 DN.
Kỳ vọng Việt Nam
Việt Nam đã và đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu trong Hội nghị đối thoại với DN Nhật Bản tại Việt Nam chiều 21/12
Theo ông Dũng, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6% - 3%. Việt Nam là nước duy nhất tăng trưởng dương trong Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh. Điều này được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
Ấn tượng về tỷ lệ tăng trưởng và giá trị xuất nhập khẩu lên đến 489 tỷ USD của Việt Nam, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng, “đơn thuốc” để Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng là mở lại các chuyến bay thương mại, cải thiện giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài và cải cách thủ tục hành chính.
Đại sứ Yamada Takio thông tin, Chính phủ Nhật Bản đang dồn nguồn lực để khôi phục kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 với gói hỗ trợ trị giá 2,3 tỷ USD. Trong số 81 DN được nhận hỗ trợ của Chính phủ Nhật, có 37 DN quyết định chọn Việt Nam để đầu tư - đứng đầu danh sách điểm đến của DN Nhật, tiếp đến là Thái Lan với 19 DN. Hiện nay, có 55 DN Nhật Bản quyết định thành lập trụ sở tại Việt Nam.
“Điều này cho thấy DN Nhật Bản kỳ vọng như thế nào về đầu tư tại Việt Nam. DN Nhật Bản tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tình hình mới”, Đại sứ Yamada Takio nhấn mạnh.
Tháo gỡ vướng mắc cho DN
Ông Hiroyuki Ishige Giám đốc tài chính Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam II nêu khó khăn khi Cục Thuế tỉnh Hưng Yên không công nhận ưu đãi thuế TNDN mà công ty này được hưởng theo giấy phép đầu tư. Số tiền thuế DN có thể bị đánh thuế bổ sung ước tính lên đến 50 triệu USD trong vòng 10 năm tới. Trong khi theo giấy phép đầu tư, DN sẽ được hưởng thuế suất 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm thuế 50% trong 5 năm tiếp theo sau khi thành lập.
Trong khi đó, bộ ngành phụ trách đã cấp giấy xác nhận sản phẩm do HOYA sản xuất đúng là loại sản phẩm khuyến khích đặc biệt và là sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN.
Hội nghị đối thoại với DN Nhật Bản tại Việt Nam |
Một số DN Nhật bản khác phản ánh việc thực hiện thủ tục cấp giấy phép đầu tư còn rườm rà, phức tạp khiến DN tốn nhiều thời gian và chi phí, thậm chí phải thuê tư vấn thì mới xong. Có DN phàn nàn về các điều kiện khắt khe khi thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc gặp vướng mắc trong thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà đầu tư đi lại giữa hai nước…
Giải đáp thắc mắc của HOYA Việt Nam, ông Dương Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, việc này liên quan đến việc giấy phép đầu tư, để hưởng ưu đãi thì sản phẩm sản xuất của DN phải thuộc danh mục hưởng ưu đãi và cần phải xác định kỹ lưỡng.
“DN này sản xuất sản phẩm đĩa từ, là phôi chưa hoàn chỉnh, nên được phân vào ngành đĩa từ chứ không phải là ngành sản xuất vi tính. Vì vậy DN không thuộc ưu đãi đầu tư theo Luật Đầu tư”, ông Huy dẫn lại đánh giá của Cục thuế Hưng Yên.
Vụ trưởng Vụ Chính sách cho rằng các bộ ngành liên quan gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương cần phải làm rõ sản phẩm này có thuộc danh mục sản phẩm được hưởng ưu đãi đầu tư hay không, để làm căn cứ xác nhận.
Còn liên quan đến thủ tục nhập cảnh, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng khẳng định đã đơn giản và thực hiện rất nhanh chóng chỉ trong vòng 3 ngày làm việc sau khi có ý kiến của UBND tỉnh. Tuy nhiên, DN vẫn phải qua các cửa như UBND tỉnh, Sở Y tế để làm các thủ tục cách ly trước khi làm thủ tục nhập cảnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý, trước khi các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài thực hiện thủ tục nhập cảnh, các DN, Đại sứ quán đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng và được đồng ý. Công đoạn này DN đã thực hiện rất nhiều thủ tục. Vì vậy, đến khâu các bộ ngành, cơ quan là thực hiện chứ không nên hỏi những thủ tục không thuộc thẩm quyền.
Thu Hằng