Việt Nam đã thành công trở thành một thị trường cận biên hàng đầu tại châu Á. Với lợi thế từ các hiệp định khu vực bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) tạo nền tảng thuận lợi cho tăng trưởng xuất khẩu của đất nước.
Các công ty đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có đặc quyền được tự do tiếp cận 15 trong số các thị trường nhóm G20.
Ngoài ra, thị trường tiêu thụ nội địa của Việt Nam cũng quan trọng không kém đối với các công ty đa quốc gia khi đầu tư vào đây. Nghiên cứu của HSBC cho thấy đến năm 2030, thị trường tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ vượt xa các thị trường Thái Lan, Anh và Đức.
Song cũng giống như nhiều quốc gia và thị trường khác, COVID-19 cũng đã và đang ít nhiều tác động đến Việt Nam. Từ năm 2019 đến năm 2020, lượng vốn FDI mới đăng ký vào Việt Nam đã giảm khoảng 25%. Năm 2021, mức đầu tư giữ không thay đổi trong khi vào năm 2022, các khoản đầu tư tiếp tục giảm nhẹ.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư FDI hiện tại và tiềm năng đều có cùng quan điểm rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ có hệ sinh thái sản xuất đã được thiết lập, chi phí cạnh tranh, số lượng công nhân lành nghề ngày càng tăng, sự hỗ trợ pháp lý tiến bộ, tài sản và thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, cũng như lợi thế từ việc tận dụng chiến lược Trung Quốc+1.
Do đó, Việt Nam vẫn là điểm đến được nhiều nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư châu Á lựa chọn trong thời gian tới.
Bên cạnh sự hiểu rõ về văn hoá, cách thức kinh doanh, thì sự thuận lợi về khoảng cách địa lý cũng giúp các nhà đầu tư châu Á thuận lợi hơn khi đầu tư vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh các công ty đa quốc gia phương Tây đang vật lộn với những thách thức từ kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị, đây có thể là thời điểm thuận lợi để Việt Nam tập trung nỗ lực thu hút thêm nữa các dòng vốn FDI trong khu vực nội khối châu Á.