Việt Nam dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hàng năm trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ 2, Trung Quốc. Lượng khách đến cùng kỳ cũng tăng nhanh nhất khu vực.Ngành hàng không châu Á - Thái Bình Dương nói chung cũng đang phát triển mạnh. Năm 2017, khu vực chiếm 36,3% thị phần và giúp lượng khách toàn cầu vượt quá 4 tỷ lần đầu trong lịch sử.
Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của khách hàng không và khách đến Việt Nam trong giai đoạn 2012 - 2017. Ảnh: Euromonitor, EIU.
Hàng không là phương tiện giao thông hiệu quả nhất trong nước, nhanh hơn đáng kể so với ôtô và tàu hỏa. Một chuyến bay từ TP HCM đến Hà Nội mất 2 giờ trong khi 2 phương tiện còn lại mất 34 - 35 giờ.
Trong bối cảnh thu nhập tăng và giá vé máy bay giảm, người Việt dự kiến sẽ tiếp tục chuyển từ đường bộ và đường sắt sang hàng không. Các hãng giá rẻ như Vietjet, Jetstar cũng đóng vai trò lớn trong việc biến máy bay thành lựa chọn di chuyển phổ biến.
So sánh giá vé ôtô, tàu và máy bay trong 2 tuyến đường TP HCM - Hà Nội và TP HCM - Đà Nẵng. Ảnh: SAP Independent Industry Report, IMF.
Bên cạnh hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Vietjet có công suất lớn nhất nước. Hãng giá rẻ này cũng đứng đầu về tỷ lệ tăng trưởng công suất và có thị phần lớn nhất.
Vietnam Airlines và Vietjet "thống trị" ngành hàng không Việt Nam. Ảnh: CAPA, SAP, CAAV.
Lượng khách của Vietjet tăng hơn 40% một năm và ước tính đạt 43.000 vào năm 2023. Một trong những điểm mạnh của hãng là đội bay trẻ, trung bình 2,95 năm sử dụng trong 9 tháng 2018. Con số này thấp hơn nhiều so với châu Á (5,78 năm) và châu Âu - Trung Đông (5,46 năm).
Tại thời điểm cuối quý 3/2018, đội bay của Vietjet có 57 máy bay, trong đó có 23 chiếc Airbus A320 và 34 chiếc Airbus A321s. Vietjet đã đặt hàng 171 máy bay Airbus A320 / 321 và một đơn hàng khác 200 chiếc 737MAX của Boeing. Các đơn đặt hàng với Airbus và Boeing sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Vietjet có đội bay trẻ so với khu vực và thế giới. Ảnh: Vietjet.
Kết quả kinh doanh 9 tháng của Vietjet ghi nhận doanh thu và lãi ròng đạt lần lượt 33,9 nghìn tỷ đồng và 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng 50% và 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu hoạt động hàng không cốt lõi 9 tháng đầu năm tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái lên 25,4 nghìn tỷ đồng, trong khi LNST chỉ tăng 15,5% lên 2,2 nghìn tỷ đồng do chi phí nhiên liệu tăng, cụ thể giá dầu Brent trung bình tăng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động hàng không cốt lõi phản ánh công ty mẹ hay kết quả tổng không tính các thương vụ bán và thuê lại (SALB) và hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Theo báo cáo mới nhất của công ty chứng khoán Bản Việt, Ban lãnh đạo Vietjet cho rằng lý do khiến công ty đạt kết quả cao là trong 9 tháng đầu năm có thêm 20 tuyến bay quốc tế, doanh thu khác tăng mạnh 50,5% và có 7 thương vụ bán và thuê lại so với 5 thương vụ cùng kỳ năm ngoái.
VCSC có thể sẽ điều chỉnh tăng nhẹ dự báo lợi nhuận của Vietjet vì LNST cốt lõi 9 tháng đầu năm của VJC vượt dự báo cả năm do VCSC đưa ra 12%, nhờ giá dầu Brent trong 9 tháng đầu năm ở mức 72USD/thùng, thấp hơn so với giả định trung bình 75USD/thùng.
VCSC tiếp tục lạc quan về tình hình VJC nhờ (1) tiềm năng tăng trưởng cao; (2) hiệu suất hoạt động vượt trội và (3) khả năng quản lý chi phí rất tốt. VCSC dự báo LNST sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 26% giai đoạn 2017-2022.