Mới đây, tờ Telegraph (Anh) đã liệt kê danh sách 20 thị trường ngôi nhà nghỉ dưỡng (second home) mới nổi, là những quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển thị trường ngôi nhà nghỉ dưỡng, dựa trên nhiều nghiên cứu và đánh giá uy tín.
Trong đó, Việt Nam lọt vào top 20 được đánh giá cao nhờ sở hữu hệ thống tài nguyên thiên nhiên đa dạng và dịch vụ nghỉ dưỡng giải trí đang phát triển rất đa dạng.
Theo Telegraph đa phần các second home dành cho người nước ngoài tại Việt Nam, tập trung vào loại hình biệt thự nghỉ dưỡng.
Với khoảng 1,1 triệu bảng Anh (gần 1,3 triệu USD), nhà đầu tư có thể mua một biệt thự biển nhỏ nhưng sang trọng có tầm nhìn ra Biển Đông, gần cảng Hội An. Hoặc với 1,7 triệu bảng (tương đương 1,65 triệu USD), người nước ngoài có thể sở hữu một biệt thự bên bờ biển ở Côn Đảo - cách Tp.HCM khoảng 45 phút bay.
Với mức giá này, Việt Nam xếp thứ 3 trong danh sách các thị trường second home hấp dẫn có giá trung bình trên 500.000 bảng (khoảng 635.000 USD), sau Kenya và Slovenia.
Việt Nam hiện nằm trong top 10 quốc gia có lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh nhất. Trong năm nay, lượng khách nước ngoài đến tham quan Việt Nam đã chạm mốc 15 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ 2017.
Theo các chuyên gia, du lịch phát triển tạo đòn bẩy cho BĐS du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với cú hích từ hệ thống cơ sở hạ tầng, nguồn khách du lịch gia tăng mạnh mẽ theo cấp số nhân hàng năm sẽ là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc BĐS nghỉ dưỡng trong dài hạn tại Việt Nam. Năm 2019 BĐS du lịch tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, hiện tại là thời điểm tốt để đầu tư ngôi nhà nghỉ dưỡng tại nhiều quốc gia.
Theo ông Dương Đức Hiển, Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở, Savills miền Bắc và Miền Trung, BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam bắt đầu phát triển vào khoảng năm 2006, khi các tập đoàn nước ngoài kêu gọi nguồn vốn ngoại cho các dự án quy mô lớn đầu tiên tại khu vực duyên hải miền Trung.
Từ sau hội nghị Apec (tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017), Việt Nam đã chứng kiến làn sóng nhà đầu tư cá nhân, không chỉ đến từ các nước trong khu vực mà còn từ Tây Âu, Mỹ, Australia... đến tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Thị trường xuất hiện những nhà đầu tư tổ chức từ nước ngoài đứng ra gom BĐS nghỉ dưỡng với số lượng lớn rồi về phân phối lại cho khách hàng trong nước của họ.
Nổi bật là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định 4 loại hình du lịch cần tập trung phát triển là du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch hội nghị hội thảo (MICE), du lịch sinh thái chất lượng cao và du lịch lịch sử tâm linh. Trong đó, địa phương này ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư có thương hiệu, đẳng cấp quốc tế, và thu hút các sản phẩm du lịch mới để đầu tư các dự án du lịch chất lượng cao, thu hút dòng khách cao cấp.
Song song đó, Bình Thuận cũng đang chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và thể thao biển. Phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo số liệu của Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong quý I/2019 thu hút đầu tư nước ngoài Việt Nam khoảng 1,7 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng BĐS trong 3 năm trở lại đây luôn đứng thứ 2, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, tỷ lệ hấp thụ hơn 92%.