Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) từ ngày 11-13/9/2018 tại Hà Nội là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương lớn được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2018. Theo dự tính, Hội nghị sẽ có sự tham dự của lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, các tổ chức quốc tế lớn và gần 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu ASEAN và thế giới cùng hàng trăm phóng viên báo chí quốc tế.
Tổ chức thành công sự kiện này được xác định là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong năm 2018, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế.
4 thành quả cho Việt Nam
Trả lời câu hỏi của phóng viên trong khuôn khổ buổi Họp báo quốc tế về Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sắp diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng: "Quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam đang bước vào giai đoạn rất sâu. ASEAN đang bước vào thời kỳ xây dựng cộng đồng vững mạnh, thịnh vượng và phát triển. Khu vực chúng ta đang đứng trước thời cơ và cũng có thể nói là thách thức bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0".
Theo đó, Việt Nam tham gia vào hội nhập sâu rộng ở khu vực và quốc tế, cùng với ASEAN để xây dựng cộng đồng. Ngoài ra, Việt Nam còn hợp tác chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – tổ chức tư nhân đầu tiên mà chính phủ Việt Nam ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ đưa ra những khuyến nghị chính sách để Việt Nam tự cường trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
"Việt Nam đã làm việc chặt chẽ với WEF để tổ chức WEF ASEAN. Ngay từ phần xác định chủ đề, Việt Nam cũng đã tính đến chủ đề của năm ASEAN 2018 là Tự cường và sáng tạo, và chọn chủ đề cho Hội nghị là 'ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0'", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Chủ đề của Hội nghị cũng đã cho thấy Việt Nam chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào việc giữ gìn, xây dựng cộng đồng chung ASEAN cũng như chuẩn bị tốt nhất cho mình trước cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, đăng cai tổ chức Hội nghị cũng thể hiện và chứng tỏ mong muốn của Việt Nam trong việc đóng góp có trách nhiệm, cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ kinh nghiệm và đồng thời cũng học hỏi từ cộng đồng quốc tế để phát triển tốt nhất trong CMCN 4.0.
Thêm vào đó, Hội nghị sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh của một khu vực ASEAN đoàn kết, thịnh vượng và xây dựng cộng đồng vững mạnh trong thời gian tới, trong đó Việt Nam là một thành viên tích cực. Việt Nam cũng có thể quảng bá hình ảnh của một đất nước rất năng động, phát triển và tự cường trước CMCN 4.0.
Cuối cùng, Hội nghị lần này là cơ hội tuyệt với cho các nhà lãnh đạo, giới doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp của Việt Nam, hiểu sâu và chia sẻ được kinh nghiệm của mình với bạn bè khu vực và thế giới đồng thời rút ra bài học và kinh nghiệm tốt nhất để chúng ta có thể xây dựng được chính sách ở tầm quốc gia hoặc đối với doanh nghiệp của mình. Việt Nam là đối tác tin cậy và ưu tiên của WEF trong khu vực.
Kể từ khi bắt đầu hợp tác năm 1989 đến nay, WEF là một diễn đàn quan trọng, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam cũng luôn coi trọng hợp tác với WEF, chủ động, tích cực tham gia và có nhiều đóng góp, sáng kiến nổi bật tại diễn đàn có uy tín hàng đầu thế giới này.
Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị WEF Đông Á (tiền thân của Hội nghị WEF ASEAN). Năm 2016, theo sáng kiến của Việt Nam, Hội nghị WEF về khu vực Mê Kông lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội nhằm kết nối, quảng bá khu vực Mê Công với các tập đoàn lớn của thế giới.
Việt Nam đang tích cực tham gia các sáng kiến, hoạt động của WEF trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin…, qua đó tiếp cận và tăng cường hợp tác với các tập đoàn hàng đầu của thế giới nhằm mở rộng thị trường và thu hút đầu tư.
Đến nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất trong khu vực Đông Nam Á mà WEF đã ký và triển khai Thỏa thuận hợp tác theo mô hình đối tác công-tư (PPP). Đây là một nội dung hợp tác quan trọng, thực chất, theo đó WEF hỗ trợ và tư vấn cho Việt Nam nâng cao năng lực tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. WEF đánh giá việc thực hiện thành công thỏa thuận hợp tác với Việt Nam sẽ là mẫu hình để WEF xem xét khả năng mở rộng áp dụng với các nước khác trong khu vực.
Trọng tâm đối ngoại trong năm 2018
Chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN năm 2018 là "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0" đã được chính giới, doanh nghiệp, bạn bè và đối tác quốc tế, nhất là các nước ASEAN, tích cực hưởng ứng.
Trong vai trò chủ nhà và đồng tổ chức Hội nghị WEF ASEAN, Việt Nam ghi dấu ấn khi đưa vấn đề CMCN 4.0 vào nội hàm chủ đề của Hội nghị, cũng như lồng ghép nhiều vấn đề Việt Nam và các nước ASEAN quan tâm. Nổi bật nhất trong số đó là Khởi nghiệp sáng tạo, hạ tầng và đô thị thông minh, lao động - việc làm trong CMCN 4.0, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp công nghệ cao….
Hội nghị WEF ASEAN sẽ là diễn đàn uy tín để các nhà lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực nhìn nhận, đánh giá đúng tầm vóc và tác động của CMCN 4.0 đối với các nước ASEAN và khu vực, đặc biệt là tác động đến doanh nghiệp và người dân.