Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11 hay “TPP không có Mỹ” đã được ký kết tại Chile, mở ra một chương mới cho hợp tác kinh tế toàn cầu và là tín hiệu tốt chống lại chủ nghĩa bảo hộ nổi lên trong vài năm gần đây.
Theo Reuters, rạng sáng 9/3 (theo giờ Hà Nội), Bộ trưởng Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh cùng 10 bộ trưởng các nước thành viên đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại thủ đô Santiago, Chile.
Đây được xem là bước đi lịch sử trong quan hệ thương mại quốc tế, nhất là trong bối cảnh hiệp định này suýt đổ vỡ sau khi Mỹ rút khỏi “cuộc chơi” khi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đắc cử nhờ lập trường dân túy, bảo hộ thương mại rõ nét với khẩu hiệu: “nước Mỹ trên hết” (America First).
TPP 11 được ký trong bối cảnh chính quyền Donald Trump vừa ra quyết định áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu nước ngoài và 10% đối với nhôm, một quyết định có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại quy mô toàn cầu.
: |
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ra đời nhằm thay thế TPP sau khi Mỹ rút lui. Các nước còn lại trong Hiệp định bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
Tiêu chuẩn trong hiệp định vẫn được giữ ở mức cao và được đánh giá là “tiến bộ”, xứng đáng một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Theo kế hoạch, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được 6 trong 11 thành viên ký kết.
Tại lễ ký, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Heraldo Munoz nhấn mạnh, hiệp định là tín hiệu mạnh mẽ "chống lại chủ nghĩa bảo hộ và ủng hộ một thế giới đa dạng hóa, đa phương hóa thương mại".
Tổng thống Chile - Michelle Bachelet cũng khẳng định đó là một một thông điệp mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế, rằng việc hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế là công cụ tốt nhất để tạo ra cơ hội và thịnh vượng”.
CPTPP là một hiệp định tự do quy mô hàng đầu trên thế giới, gồm 11 nước với 500 triệu dân, tổng GDP hơn 10 ngàn tỷ đồng (13% GDP toàn cầu).
Theo một số đánh giá, gần đây Mỹ đã có những tính toán lại về hợp tác thương mại toàn cầu. Hồi tháng 1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ông Trump cho biết Mỹ có thể quay lại TPP nếu đạt thỏa thuận có lợi hơn.
Quyết định áp cao đối với thép và nhôm nhập khẩu có thể là một cách để Mỹ muốn đàm phán với các nước về các thỏa thuận thương mại song phương trong bối cảnh nhiều nước cho biết việc Mỹ quay lại TPP là “rất khó khăn” và “không thể diễn ra trong ngắn hạn”.
“TPP không có Mỹ” loại bỏ một số yêu cầu, vốn được phía Mỹ đưa ra khi đàm phán TPP, bao gồm các quy tắc tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ với dược phẩm. Một số chuyên gia tin rằng quy định này sẽ làm tăng giá thuốc.
CPTPP được đánh giá là một thành công vượt bậc, và là kết quả của nỗ lực không mệt mỏi của 11 thành viên sau khi Mỹ rút lui. Nhật Bản và Việt Nam đóng góp vai trò quan trong quá trình này. Nhật Bản với vai trò dẫn đầu, trong khi Việt Nam góp vai trò tại hội nghị APEC2017 tại Đà Nẵng.
M. Hà