Phát biểu khai mạc Triển lãm quốc tế Công nghệ thực phẩm Việt Nam 2017 sáng nay 15.11 ở TP.HCM, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, với vùng nguyên liệu dồi dào và chất lượng cao, sản lượng nông thủy sản phong phú, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt điều lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nông thủy sản của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô nên giá trị gia tăng không cao. Công nghệ chế biến thực phẩm cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương (thứ hai từ phải qua) giới thiệu sản phẩm nông sản Việt Nam cho khách nước ngoài.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam dần được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ hơn từ các doanh nghiệp, xu hướng tăng trưởng của lĩnh vực này cũng khá mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Tuy nhiên, mức tăng của sản lượng sản xuất ngành chế biến thực phẩm mới chỉ tăng 9%, hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
Vì vậy, hiện nay có rất nhiều các biện pháp được các doanh nghiệp, địa phương áp dụng nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu như phát triển thương hiệu, nâng cao kỹ năng quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, việc thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tiếp thu công nghệ tiên tiến là mấu chốt căn bản để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hoàng – Tổng giám đốc PAN food cũng cho rằng, mối quan hệ giữa sản xuất nông nghiệp đến chế biến thực phẩm của Việt Nam còn khá lỏng lẻo. Các nông sản làm ra phần lớn được tiêu thụ tươi, sống hoặc sơ chế đơn giản, trong khi xu hướng thị trường rất cần những sản phẩm thực phẩm chế biến chất lượng cao.
Ông Hoàng cho biết, trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có cả các công ty vốn đầu tư nước ngoài, thì chế biến nông sản, thực phẩm vẫn còn nhiều khoảng trống cho doanh nghiệp phát triển.
“Bản thân tôi cũng như tập đoàn PAN cho rằng, nông nghiệp phải là thế mạnh của Việt Nam trong tương lai, tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải giải quyết được các vấn đề như quy mô sản xuất, khả năng quản trị doanh nghiệp, xây dựng và phát triển thương hiệu…”, ông Hoàng nhận định.
Ông Bertrand Lortholary - Đại sứ Pháp (thứ hai từ phải qua) thử sản phẩm nông sản Việt Nam.
Còn theo thống kê của Bộ Công thương, lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm khoảng 15% GDP và đã tăng thêm khoảng 12% trong 9 tháng đầu năm nay. Triển lãm Vietnam FoodExpo 2017 có sự tham gia của hơn 600 gian hàng của 450 doanh nghiệp đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là sự kiện nhằm tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy các cơ hội kinh doanh, kết nối giao thương và đầu tư nhanh nhất, hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm Việt Nam cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, triển lãm tạo động lực đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, chất lượng, an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, thực phẩm và đồ uống.