Hôm nay (ngày 28/12), Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số có phiên họp lần thứ 7 nhằm tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp.
Trong phiên họp, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT), đánh giá các kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2023. Đặc biệt, Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã đặt ra 62 mục tiêu.
Trong số 62 mục tiêu, hiện đã hoàn thành 18 mục tiêu đạt tỷ lệ 29%, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao chiếm 43,5% và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn, hiện chiếm 27,5%. Năm 2023 đã đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỉ lệ 81%.
Cũng theo Bộ TT&TT, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Đồng thời, Việt Nam cũng liên tiếp duy trì nằm trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Được biết, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam từ 2020 đến 2022 tăng 48%, từ 0,48 lên 0,71. Năm 2023, chỉ số này dự báo đạt 0,75.
Đáng chú ý, báo cáo của Google cho biết, tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Trong khi đó, Bộ TT&TT ước tính tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5%. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Trước đó, Bộ TT&TT đã lựa chọn năm 2023 là năm đồng hành đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài. Cụ thể, năm nay, Việt Nam đã có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng hơn 7% so với năm 2022. Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 7,5 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2022. Doanh thu của các khu công nghệ thông tin tập trung vào khoảng 15 triệu USD/ha/năm, cao hơn khoảng 15 lần so sánh với doanh thu của các khu công nghiệp.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước dẫn đầu về số lượng lượt tải mới ứng dụng trên thiết bị di động trong 2 năm liên tiếp là năm 2022 và 2023. Trong số đó, 3 ứng dụng VneID của Bộ Công an, VssID của Bảo hiểm Xã hội và Thanh niên Việt Nam của Trung ương Đoàn của cơ quan Nhà nước có lượng người dùng lớn nhất. Số lượng người dùng trên các nền tảng số Việt Nam tăng trưởng 46% so với năm 2022.
Trong cuộc họp cũng chỉ ra rằng, các quy định, thủ tục hành chính hiện nay đã được đơn giản hóa giúp người dân tiết kiệm thời gian, doanh nghiệp không còn phải chờ đời dài ngày như trước trong việc thành lập doanh nghiệp cũng như cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo đó, trong năm 2023, nhiều Bộ, Ngành đã cắt giảm hoặc đơn giản hóa gần 2.500 quy định kinh doanh, đơn giản hóa 528/1.086 thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu mang lại kết quả cụ thể, giải quyết được các bài toán liên ngành mà trước đây rất khó giải quyết triệt để.
Đáng kể nhất là việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và bảo hiểm thuận lợi hơn cho người dân đi khám bệnh, chỉ cần cung cấp căn cước công dân, quy trình từ 4 bước rút gọn còn 2 bước. Mỗi lượt xác thực giờ đây chỉ còn 6-13 giây thay vì 10 phút như trước đây.
Đối với doanh nghiệp, khi đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Hiện tại đã gộp 4 quy trình gồm: Đăng ký thành lập doanh nghiệp, Đăng ký bảo hiểm xã hội, Khai trình sử dụng lao động và Đăng ký sử dụng hóa đơn, tất cả chỉ còn 1 quy trình và thời gian thực hiện chỉ còn 6 ngày thay vì 16 ngày như trước đây.
Không những vậy, giải quyết thủ tục hành chính ở các địa phương cũng có những chuyển biến tích cực. Đơn cử, tháng 6/2023, Quảng Ninh chỉ mất 12 giờ thay vì 14 ngày so với quy định để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của doanh nghiệp có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh.