Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á, lớn gấp 200 lần công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La, cũng là nước duy nhất trong ASEAN có nguồn năng lượng gió ngoài khơi quy mô lớn. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, về mặt kỹ thuật, tiềm năng gió ngoài khơi của Việt Nam vào khoảng 599 GW.
Gió ngoài khơi tạo ra nguồn năng lượng điện cao hơn hẳn so với điện gió trên đất liền. Thêm vào đó, có thể lắp đặt các trang trại gió ngoài khơi trên vùng biển rộng lớn mà ít hoặc không ảnh hưởng đến các khu dân cư. Chính vì vậy, việc phát triển điện gió và điện gió ngoài khơi đang được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, "phát triển điện gió, điện gió ngoài khơi và từng bước hình thành ngành công nghiệp nội địa về lắp đặt, thi công, chế tạo thiết bị nhằm tăng tính tự chủ, giảm giá thành là định hướng lớn của Chính phủ Việt Nam trong những năm sắp tới”.
Trong bài viết “Điện gió ngoài khơi Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài,” Nikkei Asia cho hay, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo.
Những năm gần đây, đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam như Sumitomo, Renova (công ty chuyên về năng lượng tái tạo), Orsted của Đan Mạch (công ty năng lượng gió ngoài khơi lớn nhất thế giới)...
Bên cạnh những doanh nghiệp nước ngoài thì cũng có những tên tuổi Việt Nam đang phát triển mạnh lĩnh vực điện gió như BIM Energy Holding (thuộc Tập đoàn BIM Group), Trungnam Group, Tập đoàn T&T... Không chỉ phát triển điện gió phục vụ nhu cầu trong nước, doanh nghiệp Việt còn có mục tiêu phát triển mạnh hơn nữa mảng năng lượng tái tạo này để xuất khẩu sang nước ngoài.
Đó là trường hợp của Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC). Mới đây, doanh nghiệp này và Sembcorp Utilities Pte. Ltd. (SCU) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, xuất khẩu điện sang Singapore từ nguồn năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.
Hình minh họa
Trao đổi về vấn đề này, chia sẻ trên Thông tin Chính phủ, Tổng Giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường cho biết, tháng 11/2022, PTSC và SCU đã ký bản ghi nhớ . Tiếp theo đó, PTSC và SCU đã bắt tay ngay vào thảo luận, thống nhất và ký kết thỏa thuận phát triển chung để cụ thể hóa việc hợp tác và tiến hành trao thỏa thuận.
Theo nội dung thỏa thuận, PTSC và SCU sẽ hợp tác đầu tư trang trại điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với công suất ban đầu dự kiến khoảng 2,3 GW và xuất khẩu điện trực tiếp sang Singapore qua đường cáp ngầm cao thế dưới biển.
Ở thời điểm hiện tại, các nước ASEAN đang triển khai chương trình liên kết lưới điện. Singapore hiện cũng tham gia liên kết lưới điện Lào - Thái Lan - Malaysia - Singapore (LTMS) và đã tiến hành nhập khẩu điện từ Lào qua lưới điện LTMS.
Chính vì vậy, ông Cường cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các nước có liên quan cùng tham gia cũng như có thể xuất khẩu điện sạch từ năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam sang các nước khác, mang lại lợi ích cho các quốc gia và làm tăng hiệu quả đầu tư của dự án.
Về lộ trình phát triển dự án, theo ông Cường, một dự án điện gió ngoài khơi thường phải mất tối thiểu từ 5-7 năm triển khai mới có thể phát điện thương mại.
"Hiện nay chúng tôi đã nộp hồ sơ xin khảo sát lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trường hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý, sớm phê duyệt và cho phép chúng tôi được tiến hành khảo sát, sử dụng khai thác vùng biển và xuất khẩu điện thì chúng tôi sẽ sớm khởi động dự án để có thể có dòng điện thương mại vào năm 2030", ông nói.
Sembcorp Industries (1998) là tập đoàn có vốn sở hữu của Chính phủ của Singapore chuyên cung cấp giải pháp về chuyển đổi năng lượng và phát triển đô thị trên toàn cầu.
Đến nay, Sembcorp đã đầu tư vào nhiều thị trường lớn trên thế giới như Anh, Trung Quốc, Trung Đông, Ấn Độ, nhưng hoạt động đầu tư vẫn chủ yếu tập trung tại châu Á. Năm 2021, Sembcorp đạt doanh thu khoảng 5,7 tỷ USD, lợi nhuận đạt 345 triệu USD với hơn 5.000 nhân viên.
Sembcorp đầu tư vào Việt Nam thông qua Sembcorp Development (SCD) trong lĩnh vực hạ tầng khu công nghiệp, bất động sản… và Sembcorp Utilities (SCU) trong lĩnh vực năng lượng.
Liên danh SCD và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex) đã thành lập Công ty Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để triển khai các dự án VSIP. Hiện có 12 VSIP hiện diện tại 9 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đã đi vào hoạt động với tỉ lệ lấp đầy cao (khoảng 83,2%), thu hút được 17,6 tỷ USD tổng vốn đầu tư cho khoảng 900 dự án, tạo việc làm cho gần 300.000 lao động.
Trong khi đó, SCU đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều pháp nhân như: Công ty Điện lực Phú Mỹ 3; Sembcorp Energy Việt Nam và Sembcorp Solar Vietnam,…