Theo một bài báo Nikkei Asia mới đăng tải gần đây, Việt Nam, cùng với Thái Lan, đang dẫn đầu thế giới về việc sử dụng chức năng trò chuyện trong bán lẻ trực tuyến. Nhận định này được Facebook đưa ra sau khi tiến hành thống kê lượng tin nhắn được trao đổi giữa doanh nghiệp và khách hàng. Thậm chí, Việt Nam đã trở thành một thị trường quan trọng đối với Facebook - là đầu tàu có doanh thu lớn nhất ở Đông Nam Á, theo một báo cáo tài chính được công bố vào tháng 1. Tuy nhiên, việc nộp thuế của doanh nghiệp này tại Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính của Facebook, mỗi năm, công ty này đang đóng khoản thuế thu nhập hàng tỷ USD cho Mỹ và các quốc gia nơi Facebook có mặt. Số liệu cho thấy, thuế mà Facebook đóng cho các quốc gia khác, mặc dù có tăng lên, nhưng vẫn luôn lép vế so với thuế nộp cho Mỹ.
Nguồn dữ liệu: BCTC
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh việc, các doanh nghiệp Mỹ khi hoạt động tại Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Bộ trưởng cũng từng đề nghị Quốc hội thay đổi việc xử phạt để có tính răn đe đối với các nền tảng xuyên biên giới.
"Chúng ta hiện nay, việc xử phạt chủ yếu là con số tuyệt đối mà chưa dựa trên doanh thu. Nếu chúng ta phạt 100 triệu đồng (khoảng 5.000 USD), đối với cá nhân, doanh nghiệp nhỏ thì lớn nhưng đối với doanh nghiệp doanh thu hàng chục tỷ USD thì lại quá nhỏ. Các nước đã áp dụng mức phạt trên doanh thu với công ty xuyên biên giới - Ví dụ 4% doanh thu thì với Facebook, mức phạt này là trên 1 tỷ USD" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Trước đó, ngày 19/7/2019, ông Rafael Frankel, Giám đốc Quản lý Chính sách công, Các thị trường mới nổi của Facebook đã có buổi gặp gỡ với báo giới Việt Nam. Ông này khẳng định, Facebook tuân thủ các quy định về thuế ở tất cả các quốc gia mà Facebook có mặt trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp của Facebook (Facebook for Business), đề cập đến thuế áp dụng cho việc quảng cáo trên Facebook (thuế VAT, GST...) lại không hề có thông tin liên quan đến chính sách thuế áp dụng tại Việt Nam mà chỉ có ở châu Âu, Úc, Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc... và các quốc gia khác.
Không chỉ có thuế, bản quyền cũng vấn đề nhức nhối với các tập đoàn công nghệ lớn như Facebook hay Google khi những bài báo vừa xuất bản ít phút đã có thể xuất hiện ngay trên Facebook, Google sau đó.