Thế giới định hình lại chuỗi cung ứng
Steve Madden đang chuyển dây chuyền sản xuất túi xách sang Campuchia, trong khi Việt Nam đã thu hút được một phần chuỗi cung ứng cho công ty Techtronic Industries, hãng sản xuất máy hút bụi Hoover của Mỹ. Nhà sản xuất phần cứng của Google cũng đang tìm kiếm các trung tâm sản xuất mới ở Malaysia, thay cho Mexico.
Chiến tranh thương mại là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất tại Trung Quốc cũng như khách hàng Mỹ của họ phải suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng phức tạp và rộng lớn vốn là sợi dây liên kết giữa hai cường quốc kinh tế này trong quá khứ.
“Mặc dù Trung Quốc vẫn sẽ là một phần quan trọng của lĩnh vực sản xuất toàn cầu trong thập kỷ tới, nhưng chúng tôi phải nhanh chóng chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước có chi phí thấp hơn hoặc trở lại Mỹ. Đặt trọng tâm vào Việt Nam trong ngắn hạn sẽ giúp bù đắp lại những tác động tiềm ẩn liên quan đến chính sách thuế của Mỹ”, ông Joseph Galli, Giám đốc của Techtronic cho biết.
Ảnh: Bloomberg
Tổng thống Donald Trump mới đây quyết định áp thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu công nghiệp từ Trung Quốc và đang xem xét đánh mức thuế tương tự lên 200 tỷ USD hàng hóa khác của nước này. Ông Trump cho rằng, đây là hậu quả mà Trung Quốc phải chịu khi có những hành vi không công bằng trong thương mại.
Phần lớn mặt hàng tiêu dùng đã được loại bỏ khỏi danh sách hàng hóa chịu thuế để giảm thiểu thiệt hại cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, các lãnh đạo trong ngành sản xuất và bán lẻ vẫn lo ngại rằng danh sách hàng hóa chịu thuế sẽ dài hơn khi cả Chính phủ Trung Quốc và Mỹ đều không có xu hướng nhượng bộ trong các vòng đàm phán.
Ngoài những thách thức đến từ việc tăng lương nhanh chóng và giá vật liệu thô lên cao, ngành sản xuất còn phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng lớn do chiến tranh thương mại leo thang, theo bà Clara Chan, người đứng đầu nhóm vận động hành lang của 150 nhà sản xuất tại Hong Kong.
“Đây là thời điểm để ngành sản xuất suy nghĩ cách để giảm thiểu rủi ro, hoặc là nâng cấp và gia tăng giá trị cho sản phẩm hoặc mở rộng dây chuyền sản xuất sang các khu vực khác”, bà Chan nói.
Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Trung Quốc lâu nay vẫn là quốc gia xuất khẩu hàng hóa sản xuất lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm trở lại đây, một số nhà lãnh đạo đã bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia đang phát triển, như Bangladesh, Campuchia và Việt Nam vì chi phí lao động rẻ. Việc mở rộng chuỗi cung ứng ra nhiều khu vực cũng sẽ giúp giảm rủi ro liên quan đến lĩnh vực chính trị và kinh tế.
Theo dự đoán của các doanh nghiệp sản xuất và khách hàng Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến cuộc “di cư” này ngày càng mạnh mẽ.
Ngay khi túi xách bị liệt vào danh sách có thể chịu thuế, các doanh nghiệp Mỹ đua nhau tìm kiếm nơi sản xuất thay thế cho Trung Quốc. Steve Madden bắt đầu chuyển một phần dây chuyền sản xuất túi xách từ Trung Quốc sang Campuchia từ ba năm trước. Mới đây, công ty này cho biết đang lên kế hoạch gấp đôi sản lượng tại quốc gia Đông Nam Á trong năm 2019, lên chiếm khoảng 30% trong tổng sản lượng, đồng thời xem xét tăng giá bán tại Mỹ.
Ông Michael McNamara - Giám đốc điều hành Flex, công ty chuyên sản xuất thiết bị điện tử cho các hãng công nghệ như Bose hay Goolge, tin rằng việc các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc nhảy sang các thị trường đang phát triển mới khá khó khăn nếu như các doanh nghiệp không có sẵn mối quan hệ với các nhà máy, nhà cung cấp và chính phủ tại nơi đó.
Theo ông Spencer Fung, Giám đốc điều hành của Li & Fung, công ty giúp các nhà bán lẻ Mỹ phân phối hàng hóa tới thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp sẽ phải mất một đến hai năm để ổn định sản xuất tại một quốc gia mới.
Việt Nam đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp trong những năm gần đây, với một số nhà đầu tư lớn như Samsung, Daikin và Techtronic.
Nhiều hãng may mặc cung cấp hàng cho các thương hiệu thời trang châu Âu và Mỹ cũng đang chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Giáo sư phụ tá Sheng Lu tại Đại học Delaware cho biết chỉ còn rất ít dây chuyền sản xuất ở lại Trung Quốc. “Tới thời điểm này, nếu bạn không ở Việt Nam thì có lẽ bạn đã quá trễ”, ông nói.
Khó lật đổ vị trí thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất
Mặc dù tương lai về quy định thuế và mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng nhưng theo lãnh đạo các doanh nghiệp, Trung Quốc có thể vẫn giữ được vị trí thống trị trong lĩnh vực sản xuất. Năm 2017, Trung Quốc vẫn chiếm 35% tổng xuất khẩu quần áo toàn cầu, cao hơn nhiều so với Bangladesh (6,5%), Việt Nam (5,9%) và Campuchia (1,6%). Tình thế tương tự đối với ngành hàng thiết bị văn phòng và viễn thông, theo số liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Để đối phó với tình trạng “sản xuất di cư” này, các nhà máy Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tăng sức cạnh tranh. “Tôi cho rằng nếu bạn là một chủ nhà máy ở Trung Quốc, bạn chắc chắn sẽ không để các doanh nghiệp đóng cửa và rời đi. Công suất sản xuất tại Trung Quốc cũng sẽ không giảm mạnh như nhiều người nghĩ”.