Theo tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, các cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam đều khẳng định không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc và cũng không có tình trạng bảo kê cho hoạt động này.
Để nắm bắt diễn biến, ngăn chặn tình hình xuất, nhập lậu thịt lợn qua biên giới, ngày 25/12/2019, lực lượng Quản lý thị trường do Phó tổng cục trưởng Chu Thị Thu Thương dẫn đầu đã kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, tỉnh Lạng Sơn nhằm đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường thịt lợn trong nước.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Hải quan Cốc Nam, tính từ đầu năm 2019 đến nay, chi cục đã làm thủ tục cho gần 11.600 tờ khai hải quan với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 500 triệu USD, số thu thuế xuất nhập khẩu nộp ngân sách nhà nước đạt 218 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong thời gian đó, Chi cục Hải quan Cốc Nam đã phát hiện, bắt giữ xử lý 105 vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn quản lý, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 500 triệu đồng.
Trước thông tin "tình hình xuất lợn lậu ùn ùn qua biên giới", đại diện Chi cục Hải quan Cốc Nam khẳng định, "tại cửa khẩu Cốc Nam không có tình trạng xuất lợn lậu và cũng chưa từng xảy ra tình trạng này cả ở đường chính ngạch và tiểu ngạch".
Đại diện Chi cục Hải quan Cốc Nam nhấn mạnh, ngay từ khi nhận được chỉ thị từ 389 trung ương, lực lượng Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Chi cục Hải quan Cốc Nam đã làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, phối hợp với các lực lượng chức năng biên phòng, quản lý thị trường chặn đứng các đường dây, ổ nhóm có nguy cơ xảy ra gian lận thương mại.
"Chi cục Hải quan Cốc Nam phối hợp với lực lượng biên phòng trực chống buôn lợn lậu 24/24", đại diện Chi cục nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hồng Thuận, Phó trạm trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Cốc Nam chia sẻ, lực lượng biên phòng Cốc Nam xây dựng kế hoạch, phối hợp thường xuyên với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hàng xuất, nhập. Các lực lượng chức năng thậm chí đã dựng lán, lập chốt hai bên cánh gà cửa khẩu để ngăn chặn xuất lợn lậu qua đường biên mậu.
"Hoạt động xuất lợn lậu là không có. Chúng tôi kiểm tra, kiểm soát từng xe xuất, nhập hàng qua cả đường chính ngạch, qua đường mòn, lối tắt. Và cũng không đồng chí nào tiếp tay cho hoạt động xuất lợn lậu.
Xuất khẩu lợn đang được kiểm soát chặt chẽ
Để ngăn chặn tình trạng xuất lợn lậu, phía bạn Trung Quốc đã dựng "hàng rào dây thép gai" để chặn tình trạng này, và phía Việt Nam cũng đã xây dựng hàng rào, lập chốt tại những lối tắt, đường mòn có thể xảy ra tình trạng buôn lậu như đồi 386, khe bà Lan", ông Nguyễn Hồng Thuận nhấn mạnh.
Làm việc tại cửa khẩu Tân Thanh, bà Đào Thu Lan - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cũng khẳng định, 100% là không có tình trạng xuất lợn lậu qua cửa khẩu biên giới Tân Thanh.
Trên địa bàn tỉnh, nếu có tình trạng xuất lợn lậu thì đó là những sản phẩm đông lạnh như chân giò, nội tạng heo...
Số liệu từ lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12 năm 2019, các lực lượng công an và quản lý thị trường đã thu giữ 35 tấn chân giò lợn vận chuyển lên Lạng Sơn để đưa sang Trung Quốc. Ngày 8/12/2019, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tại khu vực biên giới (huyện Đình Lập) đã bắt giữ vụ vận chuyển 19 con lợn (2.459kg) để bán sang Trung Quốc. Hiện vụ việc này đã được chuyển về công an huyện Đình Lập để xử lý.
Theo quản lý thị trường, đến ngày 16/12 vẫn không có tình trạng xuất lậu lợn sang Trung Quốc. Tại Quảng Ninh, do phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ nên thời gian qua, lực lượng hải quan và biên phòng chưa bắt giữ và xử lý vụ việc nào. Tại Cao Bằng, trong 2 tháng qua đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy 4.430kg móng giò lợn và 1.446 kg thịt lợn. Tại các địa bàn không có việc xuất lậu các xe chở lợn sang Trung Quốc vì cơ quan chức năng hai bên kiểm soát rất chặt.