Ghi nhận tại Báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures mới công bố, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 về tính năng động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Được biết, làn sóng ươm mần startup tại Việt Nam đã sớm phát triển từ những năm 2015-2016, với những cái tên tiên phong như FPT, Vietnam Silicon Valley, Saigon High Tech Park Innovation Center, gần đây là sự xuất hiện của những tân binh tiềm năng lớn như NINJA Accelerator và Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP.
Trong đó, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp có những chương trình được thiết kế đặc biệt để giúp công ty khởi nghiệp trẻ đổi mới và phát triển, thông qua việc cung cấp không gian làm việc, cố vấn, giáo dục cũng như tiếp cận các nhà đầu tư cho các công ty khởi nghiệp hoặc doanh nhân. Những nguồn lực này cho phép các công ty và ý tưởng hình thành trong khi hoạt động với chi phí thấp hơn trong giai đoạn đầu của quá trình ươm tạo doanh nghiệp.
Nhiều cố vấn là các doanh nhân tiêu biểu cũng tích cực tham gia thẩm định các cuộc thi khởi nghiệp như: GS. Phan Văn Trường, Shark Nguyễn Hòa Bình, Lê Diệp Kiều Trang - Chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc tài chính tại Việt Nam của Avero…
Với sự trỗi dậy của tinh thần khởi nghiệp, đây được xem là công cụ xúc tác cho sự phát triển kinh tế khu vực hoặc quốc gia. Đặc biệt, năm 2016 được Chính phủ chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các doanh nghiệp và thế hệ trẻ.
Hội tủ các yếu tố thiên thời địa lợi nhân hoà, Việt Nam những năm gần đây chứng kiến làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt xuất hiện nhiều tên tuổi nổi trội thu hút mạnh dòng vốn trong và ngoài nước. Đơn cử, Tiki trong thông báo mới nhất đã gọi vốn thành công cho vòng Series E, trị giá lên đến hàng trăm triệu USD. Ước tính, tổng giá trị của Tiki đến nay đã lên gần ngưỡng Unicorn (kỳ lân).
Hay loạt thương vụ đầu tư vào các startup etech vẫn diễn ra bất chấp đại dịch Covid-19: Hàng trăm tỷ đồng từ các nhà đầu tư lớn đã và đang đổ về Clevai Vietnam, Marathon, Educa Corporation… Thực tế, Việt Nam đã sớm thuộc top 10 thị trường có mức tăng trưởng e-learning lớn nhất thế giới trong năm 2019 (44,3%), trở thành thị trường hấp dẫn với các startup và các nhà đầu tư.
Dù vậy, vẫn có nhiều đơn vị phải dừng cuộc chơi trước áp lực Covid-19, đại dịch theo đó cũng là chất xúc tác hỗ trợ chọn lọc những yếu tố tốt nhất trong làn sóng khởi nghiệp. Không chỉ đáp ứng được xu hướng tiêu dùng, đón đầu thị hiếu khách hàng mà còn đạt chuẩn về hoạt động kinh doanh, quản trị…
Ghi nhận tại báo cáo Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 mới đây của BambuUP, 9 nhóm ngành nghề nổi bật hiện nay gồm: bán lẻ (Retail), công nghệ tài chính (Fintech), công nghệ giáo dục (Edutech), công nghệ chăm sóc sức khỏe (Healthtech), công nghệ tiếp thị và bán hàng (Martech & Salestech), phát triển bền vững (Sustainability), chuỗi cung ứng (Logistics), công nghệ nông nghiệp (Agtech & Foodtech), du lịch và lữ hành (Travel & Tourism).