Quan hệ thương mại giữa Hong Kong và Việt Nam đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 11,8% trong giai đoạn từ năm 2017-2021. Riêng năm 2021, kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Hong Kong và Việt Nam đạt 220 tỷ HKD (28,1 tỷ USD), tăng 19% so với năm 2020. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thương mại song phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, với kim ngạch thương mại đạt 125 tỷ HKD (16 tỷ USD), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Hong Kong, ông Khâu Ứng Hoa cho biết chuyến đi Việt Nam dự Hội thảo Kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Vùng Vịnh lớn Hong Kong – Quảng Đông – Macau (Trung Quốc) vừa qua là một chuyến đi rất sôi động và hiệu quả. Ông đã gặp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Bộ Công Thương và đã trao đổi ý kiến về cách thức thúc đẩy hiệu quả hợp tác song phương trong thời gian tới. Ông đã cùng đoàn doanh nghiệp Hong Kong gồm hơn 60 thành viên, làm việc rất hiệu quả, với nhiều cuộc trao đổi giữa Phòng thương mại Trung Quốc tại Hong Kong, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Đoàn công tác gồm nhiều chuyên gia hoạt động trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ, tài chính, hậu cần... Hai bên đã thảo luận ý tưởng hợp tác, các doanh nghiệp của Hong Kong rất quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam, ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam cũng rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào Hong Kong và Vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau.
Trong chuyến đi, ông Khâu Ứng Hoa cũng có dịp đến thăm Khu công nghiệp ở tỉnh Hưng Yên, tổ chức các cuộc gặp, thảo luận với chính quyền tỉnh về những cơ hội hợp tác với địa phương do Hưng Yên là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam.
Theo ông Khâu Ứng Hoa, hiện nay, Hong Kong là đối tác đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hong Kong. Trong số các quốc gia ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong, chỉ xếp sau Singapore. Vì vậy, hai bên sẽ có nhiều cơ hội hợp tác thương mại-đầu tư hiệu quả trong tương lai về lâu dài. Việt Nam là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong đã chính thức xin gia nhập tổ chức này vào đầu năm 2022. Hiện nay, Hong Kong đã ký hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thành viên RCEP, ngoại trừ Nhật Bản và Hàn Quốc, vì vậy, việc tham gia RCEP sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại giữa Hong Kong và các nước RCEP.
Hong Kong là một nền tảng để tham gia vào Vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong-Macau và việc Hong Kong tham gia RCEP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên kinh doanh cả ở đặc khu này lẫn Vùng Vịnh lớn. Theo Viện Fraser, Hong Kong là thành phố thương mại tự do quốc tế thứ năm trên toàn cầu, đồng thời là một trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, trung tâm tự do và luân chuyển vốn tự do. Những lợi thế này sẽ hỗ trợ Việt Nam cũng như các nước RCEP kinh doanh trong khu vực. Ông Khâu Ứng Hoa cho biết các dịch vụ tài chính của Hong Kong tuân theo các tiêu chuẩn và mô hình hoạt động quốc tế tốt nhất, khuyến khích các công ty Việt Nam tận dụng tốt các dịch vụ và nền tảng chất lượng cao của Hong Kong để mở rộng kinh doanh trong Vùng Vịnh lớn Quảng Đông-Hong Kong- Macau, Trung Quốc và các khu vực khác.