Từ năm 2014 đến 2016, nhiều người trồng cao su và sắn trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam, Malaysia và Indonesia chuyển hướng sang trồng hồ tiêu. Hồ tiêu trồng giai đoạn này bắt đầu cho thu hoạch vào năm 2017 khiến cung vượt cầu.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2017 có 725.000 tấn hạt tiêu được sản xuất, tăng 10% so với năm 2016.
Việt Nam sản xuất tới 252.000 tấn hạt tiêu, tăng 20% trong năm 2017. Trong khi đó, năm 2000, quốc gia này chỉ sản xuất 50.000 tấn. Việt Nam trở thành nhà cung cấp hạt tiêu lớn nhất thế giới với thị phần lên đến 35%.
Giá hạt tiêu đen bán cho các nhà sản xuất thực phẩm dao động trong khoảng 550 yên đến 650 yên/ kg tại Nhật Bản, giảm khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước và giảm 70% so với 3-4 năm trước trong thời kỳ giá hồ tiêu đạt đỉnh.
Giá hạt tiêu trắng dao động trong khoảng từ 850 yên đến 950 yên/ kg, thấp nhất trong 8 năm - giảm khoảng 40% so với năm trước và giảm 70% so với 3-4 năm trước.
Giá giảm khiến nông dân Đông Nam Á cảnh giác với việc tăng sản lượng, theo dõi chặt chẽ giá cả cây trồng. “Một số nông dân bắt đầu tích trữ hạt tiêu nhằm bán được giá cao hơn sau này”, một quan chức cho biết.
Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu vẫn còn mạnh mẽ do sự phổ biến của hạt tiêu tại các nền kinh tế mới nổi và sự ưa thích hương vị hồ tiêu trong các món ăn phương Tây.
Hạt tiêu trắng thường được sử dụng để tạo hương vị cho mỳ ăn liền. Nhu cầu sử dụng mỳ ăn liền ngày càng gia tăng dẫn đến việc sử dụng hạt tiêu trắng cũng tăng dần.