Thông tin Việt Nam mở cửa trở lại toàn bộ đường bay quốc tế từ ngày 15/3 có thể xem là sự kiện gây nhiều chú ý nhất bởi sau "giấc ngủ" dài 2 năm, tất cả thị trường trước đây đã khai thác sẽ được mở lại bình thường như trước khi có dịch, không còn hạn chế về tần suất bay và điểm bay.
Mở cửa trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đã hoặc đang tiến hành nối lại bình thường du lịch quốc tế, đồng nghĩa Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh sòng phẳng mà ở đó ai chuẩn bị kỹ càng và đầu tư tốt hơn sẽ nắm trong tay phần lợi thế.
Sẵn sàng và chuẩn bị tốt nhất
Ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice cho rằng, mở cửa du lịch nên được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn mở cửa lại du lịch nội địa từ cuối năm 2021, con số 6.1 triệu lượt khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là một con số rất đáng khích lệ trong tình hình sau đại dịch kéo dài. Giai đoạn 2 là giai đoạn sau 15/3, mở cửa du lịch hoàn toàn để chúng ta đón khách quốc tế.
"Là một doanh nghiệp hoạt động trong cả lĩnh vực inbound và outbound nên chúng tôi không thể chờ thị trường hoạt động trở lại rồi mới lên kế hoạch mà chúng tôi đã phải chuẩn bị việc này từ rất sớm.
Trong thời gian giãn cách xã hội, đội ngũ của chúng tôi tập trung vào phát triển hệ thống, tái cấu trúc sản phẩm. Từ tháng 10/2021, khi Việt Nam chấm dứt giãn cách xã hội thì BestPrice đã bắt đầu làm việc lại với đối tác là các hãng hàng không, các hệ thống khách sạn, resort, nhà hàng, vận chuyển,…để cùng nhau ra những gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của du khách Việt sau đại dịch" - ông Tú chia sẻ.
Năm 2022 hết chỗ, khách nước ngoài đặt trước chỗ năm 2023
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 49.200 lượt người, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2021 do Việt Nam đang thực hiện lộ trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 phân theo vùng lãnh thổ. Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tại "vương quốc hang động" Quảng Bình, Oxalis Adventure - đơn vị duy nhất trong nước được cấp phép thực hiện tour du lịch thám hiểm tới hang Sơn Đoòng (hang động lớn nhất hành tinh) cho biết, các tour Sơn Đoòng khởi hành năm 2022 đã được đặt kín chỗ. Từ giữa tháng 01/2022, Oxalis đã tiếp tục mở hệ thống đặt chỗ cho các tour Sơn Đoòng khởi hành năm 2023. Hiện tại tour Sơn Đoòng 2023 đã được đặt gần 15%, trong đó đa số là khách nước ngoài.
Ngoài ra, các tour khác của Oxalis như Tú Làn, Hang Va, Hang Én, Hang Tiên đã đạt 80% tỷ lệ đặt chỗ cho đến tháng 5/2022.
Hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới. Ảnh: Oxalis Adventure
Tương tự, ở BestPrice, số lượng bán các tour du lịch Outbound đi Thái Lan, Singapore, Dubai,...cuối tháng 4, đầu tháng 5 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm sau Tết Nguyên đán và dự báo sẽ tăng dần đều tới cuối tháng 4/2022.
Bên cạnh outbound được dự báo sẽ là thị trường chủ chốt của ngành kinh tế xanh khi đường bay quốc tế được "phá băng", du lịch inbound cũng ghi nhận bước chuyển mình đáng kể với lượng khách trong nước tăng ồ ạt.
Là địa điểm được du khách săn lùng ráo riết để tổ chức du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện,...) đẳng cấp nhất tại Quảng Bình, Sun Spa Resort đã thu hút lượng khách lớn trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán. Trong giai đoạn tháng 3, lượt booking đặt các đoàn lớn đến Sun Spa Resort đã tăng trở lại, dự kiến cao hơn 20 - 30% so với cùng kỳ.
Khai thác các tuyến du lịch nội địa chất lương, doanh nghiệp lữ hành PYS Travel đồng thời thu về tín hiệu khởi sắc: "Trước nhu cầu tăng cao, có những tuần chúng tôi phải điều động thêm phương tiện so với dự kiến để đáp ứng nhu cầu đi lại của khách hàng trong nước".
Để đi được những bước dài sau mở cửa
Bầu trời "mở cửa", thị trường thay đổi từng giờ, ngành du lịch sẽ phải sẵn sàng với rất nhiều yêu cầu mới từ du khách, sản phẩm và chất lượng dịch vụ trong bối cảnh hoàn toàn mới. Đó là chiến lược đòi hỏi không chỉ của cá thể đơn lẻ mà cần sự hợp tác của rất nhiều bên liên đới trong ngành.
Bà Nguyễn Thị Việt Anh - Phó Giám đốc PYS Travel bày tỏ: "Để du lịch có thể thực sự có những bứt phá, gỡ bỏ những khó khăn còn tồn đọng do ảnh hưởng từ dịch, các công ty lữ hành như PYS Travel rất cần sự thúc đẩy mạnh mẽ của Bộ VH-TT&DL và Bộ Ngoại Giao trong vấn đề trao đổi hợp tác song phương, đa phương giữa các quốc gia và Việt Nam, để tăng cường các thoả thuận ghi nhớ trong việc giao lưu đưa khách du lịch giữa các quốc gia và Việt Nam, tiến tới dần gỡ bỏ các hạn chế đối với khách du lịch Việt Nam khi ra nước ngoài.
Khi đó, chi phí tour mới giảm, các doanh nghiệp du lịch mới có thể đưa tới khách hàng các tour du lịch nước ngoài với mức giá phù hợp hơn".