Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ô-man, đại diện VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Ô-man đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai cơ quan. |
Bộ Công Thương vừa tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ô-man nhằm tìm kiếm nhu cầu hợp tác, trực tiếp góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.
12 doanh nghiệp Ô-man trong các lĩnh vực: Điện & Điện tử, Thiết bị điện gia dụng, Cơ khí, Thang máy, Xây dựng, Bất động sản, Khách sạn và Du lịch, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp, Chế biến Thủy hải sản, Đóng tàu, Thiết bị Hàng hải, Dầu khí, Vận tải, Lao động, Khai khoáng, Dịch vụ Tài chính, Đầu tư, Dệt may … đã có mặt tại Diễn đàn để giao thương trực tiếp với hơn 30 doanh nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và đầu tư, đóng góp vào thịnh vượng chung của hai nước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, Cao Quốc Hưng cho rằng, đoàn 12 doanh nghiệp sang tiến hành các hoạt động giao thương, khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại và đầu tư nhân dịp Kỳ họp lần thứ 3 Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước sẽ khai mở những hoạt động đầu tư, thương mại giữa 2 quốc gia trong thời gian tới.
Quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước đang từng bước phát triển tuy nhiên vẫn chưa thực sự tương xứng với mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp và tiềm năng của hai nước.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 116,7 triệu USD tăng 122,2% so với năm 2016, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Ô-man đạt 40,9 triệu USD tăng 74,0%, và nhập khẩu đạt 75,8 triệu USD tăng 161,4%.
Hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức tại mỗi nước vẫn còn hạn chế. Trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường và tiến hành các cơ hội giao thương giữa hai bên vẫn còn chưa nhiều.
Về hoạt động đầu tư, mặc dù đã ký Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, nhưng đầu tư của Ô-man vào Việt Nam còn thấp.
Tính đến hết năm 2017, Ô-man có 2 doanh nghiệp với 05 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 337 triệu USD, Việt Nam chưa có dự án đầu tư vào Ô-man, hoạt động xuất khẩu, đầu tư giữa 2 nước được đánh giá còn gặp nhiều khó khăn.
Bộ trưởng Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ô-man, ông Ali bin Masoud Al Sunaidy mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đến Ô-man tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và ngược lại, để các kết quả đạt được không chỉ nằm trên giấy mà là những kết quả rõ nét hơn.
“Chúng tôi có nhu cầu nhập khẩu một lượng gạo lớn phục vụ tiêu dùng nội địa, ngoài ra là các sản phẩm trái cây, rau quả, hàng điện tử, vật liệu xây dựng, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam”, ông Ali bin Masoud Al Sunaidy cho biết.
Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI (Quỹ Đầu tư phát triển Việt Nam - Ô-man) cho hay, VOI thành lập 2008, từ đó đến nay VOI đầu tư các lĩnh vực trọng yếu của Việt Nam như nông nghiệp, hậu cần, hạ tầng, nước, xây dựng cầu đường, giáo dục, y tế...
Giáo dục và Y tế là những lĩnh vực người Việt rất quan tâm nên VOI đầu tư vào một đại học ở TP Hồ Chí Minh và vào một bệnh viện tư lớn ở Hà Nội.
"Đầu tư vào bệnh viện mang lại lợi nhuận tương đối tốt. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng tốt của Việt Nam", ông Abdullah Al Harthy nói.