Nền kinh tế Việt Nam đã tăng 12 bậc, lên đứng thứ 52 thế giới về tính đa dạng và sự hiện đại hóa các năng lực sản xuất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu quốc gia trong giai đoạn từ năm 2015-2020, theo bảng xếp hạng quốc gia Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI) của Đại học Harvard.
Nếu tính trong giai đoạn 10 năm (2010-2020), chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã cải thiện 18 bậc với điểm ECI bình quân là 0,18 điểm.
Đây được xem là thước đo xác định mức độ tăng trưởng về kinh tế của mỗi quốc gia trong thập niên tới. Dự kiến đến năm 2030, 3 cực tăng trưởng mới dẫn đầu thế giới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ là Trung Quốc, Campuchia và Việt Nam cùng với các nước như Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Trong bảng xếp hạng ECI 2022, Nhật Bản (2,27 điểm), Thụy Sĩ (2,17 điểm), Đức (1,96 điểm), Hàn Quốc (1,95 điểm) và Singapore (1,87 điểm) nằm trong top 5 các nước có mức tăng trưởng kinh tế được dự báo ổn định và nhanh nhất thế giới đến năm 2030. Một số quốc gia đáng chú ý khác như Anh (thứ 10), Mỹ (thứ 12), Ý (thứ 16) và Trung Quốc (thứ 17).
Vị trí của Việt Nam (thứ 52) so với một số quốc gia khác trên thế giới trong bảng xếp hạng Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI) của Đại học Harvard - Ảnh: HARVARD GROWTH LAB
Nhóm nền kinh tế các quốc gia ở châu Phi gồm Nigeria, Gabon, Guinea, Liberia và Angola giữ mức tăng trưởng dự báo là thấp nhất trên thế giới theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm tăng trưởng của Đại học Harvard. Theo đó, Angola (-2,51 điểm) đứng cuối bảng xếp hạng năm nay của Đại học Harvard.
Giáo sư Ricardo Hausmann, giám đốc Phòng thí nghiệm tăng trưởng tại Trường Harvard Kennedy (HKS), cho biết: "Đại dịch COVID-19 đánh dấu lần đầu tiên ngành dịch vụ trở thành một phần quan trọng của thương mại toàn cầu".
Những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch lữ hành như Jamaica và Kenya, đã bị thiệt hại nặng nề về kim ngạch xuất khẩu. Đây là các quốc gia tập trung vào yếu tố chuyên môn hóa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, các quốc gia có khả năng đa dạng hóa trong cơ cấu xuất khẩu như Thái Lan thì có thể dễ dàng chuyển đổi linh hoạt việc tập trung sản xuất giữa các ngành khác nhau để hạn chế các "tổn thương" với nền kinh tế.
Dự án "Atlas of Economic Complexity" (Bản đồ về sự phức tạp kinh tế) của Đại học Harvard đánh giá khả năng tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia dựa theo dữ liệu từ hơn 5.000 các loại hàng hóa và dịch vụ.
Chỉ số Phức tạp kinh tế (ECI) là một thước đo tổng thể về khả năng sản xuất của 1 thành phố, khu vực hoặc quốc gia. ECI tìm cách giải thích kiến thức tích lũy được trong một cộng đồng dân cư được thể hiện trong các hoạt động kinh tế hiện tại ở một thành phố, quốc gia hoặc khu vực.