Xét cụ thể các chỉ số thành phần, báo cáo Asia Power Index đánh giá Việt Nam đứng thứ 10 về tầm ảnh hưởng kinh tế trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, sự hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu - với kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP lên tới 200% - cũng là một con dao hai lưỡi.
Xếp hạng ảnh hưởng về mặt ngoại giao của Việt Nam đã giảm 2 bậc xuống vị trí thứ 12 do Malaysia và New Zealand đã có những bước tiến bộ đáng kể và vượt qua Việt Nam. Tuy nhiên, dù chỉ nằm trong top có tầm ảnh hưởng trung bình nhưng Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có sự cải thiện nhiều nhất trong năm 2019.
Báo cáo nhận xét: "Đứng thứ 13 về chỉ số quyền lực tổng hợp, Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về mặt chiến lược và kinh tế. Việt Nam cũng đã tham gia rất nhiều hiệp định song phương và đa phương trong đó có CPTPP để thúc đẩy ngoại giao kinh tế và quan hệ thương mại khu vực. Dự báo, nếu như duy trì được sự cải thiện nói trên, Việt Nam sẽ sớm vươn lên vị trí thứ 10".
Không ngạc nhiên, Hoa Kỳ là quốc gia có tầm ảnh hưởng tổng thể lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng Trung Quốc mới là quốc gia có ngoại giao kinh tế rộng nhất do các chính sách thương mại bảo hộ của Tổng thống Donald Trump. Chính quyền Trump tập trung rất nhiều các cuộc chiến thương mại. Những nỗ lực làm cân bằng cán cân thương mại đã khiến chỉ số ngoại giao của họ sụt giảm.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng đầu trong hầu hết các chỉ số: năng lực quân sự, mạng lưới quốc phòng, tài nguyên, ảnh hưởng ngoại giao và văn hóa, khả năng phục hồi và tài nguyên trong tương lai.
Nhật Bản đứng ở vị trí thứ ba với tư cách là quốc gia ủng hộ trật tự toàn cầu do ông Trump tạo ra. Triều Tiên thăng hạng đáng kể trong bảng xếp hạng khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un rũ bỏ hình ảnh ẩn dật của mình thông qua những hoạt động ngoại giao mang tính bước ngoặt.
Trong một cuộc khảo sát khác do các chuyên gia của Lowy Insitute thực hiện, xếp hạng hiệu quả của các nhà lãnh đạo chính trị trong việc thúc đẩy lợi ích ngoại giao, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là người đứng đầu, tiếp theo là Thủ tướng Nhật Bản - ông Shinzo Abe, Thủ tướng Singapore - ông Lý Hiển Long, Thủ tướng New Zealand - bà Jacinda Ardern và Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin.