Báo cáo chỉ ra rằng, Trung Quốc cắt giảm các hoạt động sản xuất trong ngành dệt may và đẩy mạnh những chuỗi giá trị khác là cơ hội cho các nước láng giềng có tiềm năng tăng trưởng trong lĩnh vực này. Thêm vào đó, các quốc gia này có đặc điểm chung như đều là những nước đang phát triển, dân số đông và chi phí sử dụng lao động thấp.
Tương tự như Bangladesh, 3 quốc gia này (Việt Nam, Myanmar, Campuchia) có khả năng thay thế Trung Quốc để trở thành các nhà cung cấp trong thị trường rộng hơn, đồng thời có cơ hội tăng thị phần ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Việt Nam nhận được rất nhiều cơ hội từ việc chuyển đổi chuỗi cung ứng sản xuất hàng dệt may cùng với sự tích cực tham gia mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do.
Theo ước tính của Fitch Solutions, trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước Hoa Kỳ và Trung Quốc, xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đã tăng lên 30%, thị phần xuất khẩu hàng may mặc toàn cầu tăng từ 6,8% năm 2018 lên đến 8,7% vào năm 2019.
Thị trường xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia chỉ chiếm 1,4% thị trường dệt may toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kép ngành dệt may tại quốc gia này đã đạt 13% trong thập kỷ qua. Campuchia có nhiều thế mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp này như: chí phí lao động tương đối thấp, các chính sách đầu tư thuận lợi, điển hình như chính sách cho phép sở hữu toàn bộ vốn nước ngoài trong lĩnh vực dệt may.
Campuchia cũng có thêm lợi thế trong việc sử dụng các cảng của Việt Nam để vận chuyển và nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc.
Tại Myanmar, phần lớn các sản phẩm dệt may là hàng bình dân có giá trị và chất lượng thấp. Quốc gia này dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp dệt may nhờ vào nhiều cảng biển. Đây là điều kiện thuận lợi cho Myanmar trong việc vận chuyển hàng hoá với chi phí thấp nhất trong khu vực.