Lý giải về điều này, trong trả lời phỏng vấn tờ Nikkei, ông Satoshi Hatase cho hay vào tháng 3-2018, Uniqlo lấn sân vào Thái Lan và nhanh chóng thành công.
Thực tế, Uniqlo cũng xác định thị trường Đông Nam Á sẽ giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn, vì thu nhập người dân tại đây ngày càng tốt và dự đoán trong 10 năm nữa, tầng lớp trung lưu tại đây sẽ tăng cao.
Tuy nhiên, điều đặc biệt Uniqlo tập trung phát triển cửa hàng tại các vùng ngoại ô tại Đông Nam Á, thay vì chỉ mỗi các đô thị lớn. Ông Satoshi Hatase tin rằng thị trường nông thôn có dư địa phát triển rất lớn.
Uniqlo dự lên kế hoạch tăng gấp đôi số cửa hàng tại khu vực Đông Nam Á và châu Đại Dương lên con số 400 tính tới năm 2022.
Theo giới phân tích, việc Uniqlo mở cửa hàng tại Việt Nam là điều chắc chắn. Vì các hãng thời trang nhanh như Zara, HM, Mango ,... đã có mặt tại Viêt Nam và Uniqlo không muốn bị mất phần. Mặt khác, hiệu ứng thương hiệu Nhật với chất lượng tốt, mà giá cả phù hợp với thu nhập thì sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận một cách tích cực.
Mặt khác, Uniqlo đã đưa chuỗi sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng chi phí nhân công thấp và với việc mở cửa hàng tại Việt Nam giúp hãng hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín.
Các hãng thời trang nhanh cũng đang kiếm tiền rất tốt tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Công ty Cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), kết thúc năm 2016 với thời gian kinh doanh chưa đầy 4 tháng, Zara Việt Nam đã đạt doanh thu 321 tỉ đồng, bình quân đạt doanh thu 2,8 tỉ đồng/ngày và đạt lợi nhuận trước thuế 38 tỉ đồng. Rất hiếm thương hiệu bán lẻ quốc tế có được lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu kinh doanh.
Sang năm 2017, với việc mở mới các cửa hàng Pull & Bear, Stradivarius, Massimo Dutti trong tháng 9 và mở thêm cửa hàng Zara tại Hà Nội từ tháng 11, doanh thu của toàn hệ thống Mitra Adiperkasa tại Việt Nam đã tăng vọt lên hơn 1.100 tỉ đồng.
Nửa đầu năm 2018, doanh thu tiếp tục tăng trưởng 133% so với cùng kỳ lên gần 950 tỉ đồng, tức bình quân đạt gần 5,3 tỉ đồng/ngày.