Smartphone cũng càng đóng vai trò quan trọng hơn và là vật “bất ly thân” trong đời sống thường ngày của người Việt. Đà tăng trưởng này cũng tạo nên những cơ hội lớn cho các nhà phát triển và tiếp thị ứng dụng trong và ngoài nước.
Theo báo cáo Thị trường quảng cáo số Việt Nam - Số tổng kết năm 2019 vừa được Adsota phát hành, thị trường Việt Nam hiện nay có đến 43,7 triệu người hiện đang có sử dụng các thiết bị smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đạt tỷ lệ 44,9%. Những con số này cũng giúp Việt Nam lọt vào top 15 thị trường có số lượng người dùng smartphone cao nhất thế giới, sánh vai cùng nhiều quốc gia phát triển khác như Anh Quốc, Nhật Bản, Đức hay đại diện cùng khu vực Đông Nam Á là Indonesia. Điều này một lần nữa chứng minh tiềm năng và sự phát triển bùng nổ của thị trường smartphone Việt trong nhiều năm trở lại đây.
Đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc với 851,2 triệu người sử dụng smartphone tính đến cuối năm 2019, bỏ xa 2 cường quốc còn lại là Ấn Độ (345,9 triệu người dùng) và Hoa Kỳ (260,2 người dùng). Với dân số đông và thị trường rộng lớn, Trung Quốc được cho là thị trường sẽ tiếp tục giữ vị trí số trong khoảng thời gian dài sắp tới.
Sử dụng nhiều smartphone, người Việt cũng nằm trong top dẫn đầu thế giới về số lượt tải ứng dụng
Là một trong những thị trường có số lượng người dùng điện thoại thông minh cao nhất thế giới, rất dễ hiểu khi Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tải app nhiều hàng đầu ở thời điểm hiện tại.
Theo bảng xếp hạng nhóm các thị trường có nhiều lượt tải ứng dụng nhất trên hai kho tải Apple Store và Google Play tính đến hết quý 2 năm 2019 của báo cáo, Việt Nam là quốc gia xếp vị trí thứ 7 tổng cộng 750 triệu lượt tải app. Ba quốc gia là Brazil, Hoa Kỳ và Ấn Độ, vốn là những thị trường lớn nhất thế giới, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu của mình.
Song hành cùng tăng trưởng smartphone, chi tiêu cho quảng cáo di động cũng tăng dần theo từng năm
Người trưởng thành Việt Nam hiện nay dùng phần lớn thời gian trong ngày để truy cập internet với những thiết bị di động của mình. Do đó, mobile không chỉ là một xu hướng mà còn đang dần trở thành một kênh bắt buộc đối với marketer khi nghĩ đến việc làm tiếp thị trên các nền tảng số. Nhận thức được điều này, các digital marketer và các nhãn hàng cũng đã chú trọng hơn vào việc chi tiêu ngân sách tiếp thị của mình cho các kênh quảng cáo mobile.
Cụ thể, các số liệu từ báo cáo của Adsota đã chỉ ra sự tăng trưởng mạnh mẽ của quảng cáo mobile trong năm 2019 so với cùng kỳ một năm trước khi từ 55.2% tổng ngân sách quảng cáo trực tuyến (năm 2018) vươn lên 67.1% vào năm 2019.