Đó là thông tin được Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) đưa ra sáng 20-12.
Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng thế giới), con số này trong năm nay là 18,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị trả lời câu hỏi của báo chí ngày 20-11.
Tại đây, Phó chủ nhiệm Lương Thanh Nghị cũng cho hay, rất nhiều người gốc Việt mong muốn quay lại nhập tịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo Luật Quốc tịch năm 2008, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Điều này gây khó khăn cho người Việt Nam định cư và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tiếp tục triển khai hỗ trợ cộng đồng NVONN duy trì tiếng Việt nhất là cho trẻ em với 3 đề án: Nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, Dạy tiếng Việt online và Tăng cường dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Hiện nay, có gần 3000 doanh nghiệp người VNONN đang hoạt động đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Nhiều tấm gương tiêu biểu thành công như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, kiều bào Canada, về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 với chuỗi công nghệ khép kín về hóa dược và quang điện tử đầu tiên tại Việt Nam; ông Lương Thanh Văn, kiều bào Úc thành lập tập đoàn cung cấp tôm giống lớn nhất Việt Nam,…
Bên cạnh đóng góp cho quê hương, cộng đồng 4,5 triệu người Việt ở nước ngoài đang phát triển ổn định, hội nhập, đóng góp sâu vào xã hội sở tại, vị thế người Việt tại nước ngoài ngày càng được nâng cao. Khoảng 200 kỹ sư phần mềm người Việt đang làm việc tại thung lũng Silicon, nhiều người Việt giữ vai trò và vị trí cao trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị tại quốc gia sở tại.
Tuy nhiên, cộng đồng NVONN cũng gặp một số khó khăn tại địa bàn có địa vị pháp lý chưa vững chắc, không rõ ràng hay chính sách thắt chặt nhập cư. Ngoài ra còn một số lý do chủ quan như việc cư trú bất hợp pháp của một bộ phận lao động xuất khẩu, du học sinh,…