Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hết tháng 8, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,35 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ 2020 và chiếm 15,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực gồm điện thoại và linh kiện tăng mạnh nhất; theo sau là máy vi tính, sản phẩm điện tử... Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 8,06 tỷ USD, tăng 65%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,62 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ...
Về nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu lớn nhất của nước ta. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng đầu năm lên tới 72,04 tỷ USD, tăng tới 46,1% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Trung Quốc là thị trường cung ứng các nhóm hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó, tăng mạnh nhất phải kể đến chất dẻo nguyên liệu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 103%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,73 tỷ USD, tăng mạnh 71%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,49 tỷ USD, tăng 34%; điện thoại và linh kiện đạt 5,83 tỷ USD, tăng 62%; nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày (bao gồm bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may da giày) đạt 9,2 tỷ USD, tăng 35%...
Như vậy, hết tháng 8 đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 105,39 tỷ USD. Như vậy, với tính hình xuất nhập khẩu trên, Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên và duy nhất của Việt Nam đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD trong 8 tháng năm nay.
Việt Nam đang nhập siêu gần 39 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Con số này tăng hơn 2 lần so với 4 tháng đầu năm và tăng hơn 3,8 tỷ USD so với cả năm 2020.
Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của nước này. Giá trị trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 133,09 tỷ USD.