Tháng 7 vừa qua, Liên Hợp Quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của 193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019, Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia, 24/47 châu Á và 6/11 Đông Nam Á.
Đồng thời, mục tiêu đặt ra là Việt Nam tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng thế giới đến hết năm 2020.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã cải thiện vượt bậc ở Chỉ số Hạ tầng viễn thông (tăng 31 bậc), cải thiện ở Chỉ số Nhân lực (tăng 3 bậc) và tụt hạng đáng kể ở Chỉ số Dịch vụ trực tuyến (giảm 22 bậc).
Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện đã có trên 50 nghìn doanh nghiệp công nghệ trên toàn quốc, với nhiều sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu.
Thêm vào đó, Thủ tướng đánh giá cao nhiều doanh nghiệp Việt Nam dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu quốc gia được tích cực triển khai, cụ thể đối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an được triển khai tích cực.
Thủ tướng cũng chỉ ra minh chứng của thành công trong mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc đó là việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phát triển các nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu. Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dành tỷ lệ thích đáng về ngân sách nhà nước cho công nghệ thông tin nhằm đảm bảo ngưỡng đầu tư hiệu quả.
Tại cuộc họp, Thủ tướng đã nêu ra những tồn tại cần khắc phục, cụ thể là môi trường pháp lý Chính phủ điện tử chưa hoàn thiện. Theo Thủ tướng, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến còn thấp, nếu không làm mới sẽ không đạt 30% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 vào cuối năm 2020. Hiện vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh chỉ đạt dưới 10%, đây được coi là mức thấp báo động.
Nhiều cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn đang triển khai chậm, cụ thể là cơ sở dữ liệu về đất đai. Thủ tướng nhận định Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất đến năm 2025 là quá chậm.
Đồng thời, đầu tư vào vấn đề an ninh mạng vẫn chưa đúng mức, không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho công nghệ thông tin. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đề án đào tạo, có lộ trình chuyển đổi số quốc gia cho các địa phương.
Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mục tiêu đạt 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vào cuối năm nay. Trong đó, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phải tăng lên 2.000, 3.000 chứ không dừng lại ở mức 1.000 như hiện nay.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ xem xét xếp hạng thứ tự chính phủ điện tử của 63 tỉnh, thành cả nước từ năm 2021. Từ đó có thể thấy được trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu đến tháng 10/2020, các bộ, ngành địa phương phải hoàn thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh, kết nối với nền tảng tích hợp chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia.