Theo báo cáo "5G tại Đông Nam Á" vừa công bố, Cisco cho biết, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ là 2 nước đầu tiên triển khai 5G trong khu vực. "Singapore sẽ triển khai mạng 5G từ năm 2020, trong khi đó, Việt Nam dự kiến sẽ vào năm 2021", ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN nhận định.
Tổng số thuê bao 5G của ASEAN được dự đoán sẽ tăng lên con số 200 triệu trong 5 năm tới. Trong đó, Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng trên 6 triệu thuê bao 5G, chiếm khoảng 6% tổng số thuê bao di động vào năm 2025 và đứng thứ 6 trong khu vực.
Phía Cisco cũng nhận định: "Khi mới bắt đầu triển khai, tỷ lệ thâm nhập thị trường của Việt Nam có thể thấp hơn một số nước trong khu vực như Indonesia, Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam sẽ nhanh hơn, tức là chỉ chậm hơn vào thời gian đầu và sau đó tốc độ tăng trưởng sẽ nhanh hơn các nước khác".
Cung theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam: "Với quyết tâm triển khai 5G từ Chính phủ, từ các nhà viễn thông và với xu hướng các doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi số hóa và ứng dụng CNTT mạnh mẽ để tăng năng suất, tăng hiệu quả và tăng tính cạnh tranh, chúng tôi hoàn toàn tin rằng số lượng đăng ký thuê bao 5G khi triển khai 5G sẽ tăng mạnh hơn nữa trong thời gian tới, không chỉ dừng lại ở con số 6 triệu như trong báo cáo này".
Việc sớm triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, các nhà mạng cũng cần phải đầu tư rất lớn cho 5G. Báo cáo nói trên dự kiến, các nhà mạng tại Việt Nam cần chi khoảng 1,5 – 2,5 tỷ USD cho 5G trong giai đoạn 2020 – 2025.
Các chuyên gia cho biết việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm chín muồi khi người dùng tiêu thụ ngày càng nhiều dịch vụ và nội dung trên thiết bị cá nhân. Đồng thời, các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng CMCN lần thứ 4. Đại diện Cisco Việt Nam cũng cho rằng: các quốc gia như Việt Nam từ lâu đã được hưởng lợi từ chi phí lao động tương đối thấp, đặc biệt là trong các lĩnh vực chủ chốt như sản xuất. Tuy nhiên, nhờ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điều này sẽ không còn là lợi thế trong những năm tới. Các doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được điều này và đang tìm cách tận dụng các công nghệ liên quan đến công nghiệp 4.0 để cải thiện hiệu suất và duy trì tăng trưởng của họ trong tương lai. Triển khai dịch vụ 5G sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quá trình số hóa của các doanh nghiệp và đem tới những lợi ích đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy vậy, để khai thác tiềm năng của 5G, các quốc gia khu vực ASEAN cũng cần giải quyết một số thách thức chính. Đầu tiên đó là sự chậm trễ giải phóng và cung cấp phổ tần dành cho dịch vụ 5G và kéo theo việc triển khai mạng lưới không được tối ưu tốt nhất.
Ngoài ra, các nhà mạng sẽ cần xây dựng cẩn thận danh mục các dịch vụ và giá cả cho 5G khi khuyến khích và chuyển người dùng sang mạng tốc độ cao. Người tiêu dùng sẽ rất hào hứng với 5G và sẵn sàng chi trả để có chất lượng tốt hơn. Công việc này giúp các nhà mạng tránh khỏi thảm hoạ của việc tham gia vào cuộc chiến về giá chỉ để thu hút nhiều thuê bao hơn với hi vọng khách hàng sẽ trả cao hơn ở giai đoạn sau, việc này là rất nguy hiểm.
Về phía doanh nghiệp, nhà mạng cần tạo ra những khả năng mới và kết hợp các kết nối nâng cao với các giải pháp và ứng dụng để giúp khách hàng hiểu, thực hiện và mở rộng các dịch vụ giá trị gia tăng. Họ cũng sẽ phải đối đầu với một loạt các đối thủ cạnh tranh cung cấp mạng dành riêng cho doanh nghiệp.