Theo đó, với đặc thù địa lý, Việt Nam có thể dễ dàng nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu phục vụ sản xuất máy tính xách tay từ Trung Quốc. Song song với đó, lực lượng lao động trẻ với chi phí chưa cao là lợi thế khiến các nhà sản xuất quan tâm. Hiện nay, nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực gia công công nghệ như Wistron, Compal, Foxconn… đều đã thiết lập và tiếp tục mở rộng các dây chuyền sản xuất máy tính xách tay tại Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng trên toàn cầu.
Cùng với đó, nhiều hãng máy tính cũng có kế hoạch nâng lượng máy tính xách tay xuất xưởng từ Việt Nam, trung bình thêm khoảng 20% trong năm 2023, để bù đắp lại thiếu hụt ở một số cứ điểm sản xuất khác trên toàn cầu. Đáng chú ý, Nikkei Asia đưa tin, Apple sẽ bắt đầu xuất xưởng Macbook từ Việt Nam ngay trong năm nay.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ xuất xưởng khoảng 10% số máy tính xách tay trên toàn cầu trong năm 2023. Tuy nhiên, mốc dự báo này có thể gặp một số rào cản, như nhu cầu tiêu thụ máy tính xách tay toàn cầu giảm chưa từng thấy trong năm 2022.
Những dự báo lạc quan nhất hiện cho rằng, tổng doanh số máy tính xách tay toàn cầu trong toàn năm 2023 sẽ chỉ đạt khoảng 171 triệu máy, thấp hơn khoảng 7,8% so với mức 186 triệu máy của năm 2022. Trong đó, quý I-2023 có thể chứng kiến lượng máy bán ra thấp nhất trong 10 năm, chỉ khoảng 35,1 triệu máy, thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là việc Tết Nguyên đán đến quá sớm ở nhiều quốc gia châu Á, bó hẹp thời gian và nhu cầu mua sắm. Xu hướng giảm tiếp diễn trong năm 2023 đồng nghĩa rằng các nhà sản xuất sẽ phải chủ động điều chỉnh sản lượng để ứng phó phù hợp.
Cũng theo TrendForce, ngoài máy tính xách tay, một số sản phẩm công nghệ khác cũng sẽ sớm chứng kiến sản lượng tại Việt Nam gia tăng ngay trong năm nay, như tai nghe, điện thoại thông minh.